Khoa học - Công nghệ
Thiếu vốn cho sản xuất, chi phí đầu vào tăng nhanh và đặc biệt là nguồn nhân lực thiếu hụt một cách trầm trọng…đã khiến cho làng thêu Từ Vân khó khăn chồng chất khó khăn.


Ra đời từ thế kỷ 16, làng nghề thêu Từ Vân (xã Toàn Thắng, huyện Thường Tín, Hà Nội) là nơi lưu giữ khá trọn vẹn những tinh hoa của nghệ thuật thêu truyền thống, sản phẩm của làng nghề ngày nay là sự hòa hợp của nghệ thuật thêu truyền thống và nghệ thuật thêu hiện đại. Theo lời ông Mai Văn Hưởng, Chủ tịch Hiệp hội thêu của xã Toàn Thắng, dấu ấn cổ truyền đậm nhất của sản phẩm thêu Từ Vân là việc sử dụng những đề tài mang tính chất “kinh điển” như Tùng, Cúc, trúc, Mai hay Tứ dân…và điểm đặc biệt của làng thêu Từ Vân là sản phẩm luôn được thêu thủ công và sử dụng chỉ tơ tằm nên bức tranh thêu rất mềm, mịn, luôn ghi đậm những dấu ấn riêng. Thêm vào đó, do cách pha màu của người thợ thêu Từ Vân rất sáng tạo nên sản phẩm của làng nghề luôn đảm bảo độ sáng, sâu rất có hồn và cũng chính bởi vẻ đẹp mềm mại, tinh tế ấy mà sản phẩm của làng nghề thêu Từ Vân được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

 

Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường bên cạnh những sản phẩm tranh thêu truyền thống thì những sản phẩm mang tính chất tiêu dùng như: khăn thêu, túi thêu, vỏ gối, vỏ chăn, khăn trải bàn… cũng được Từ Vân sản xuất khá rầm rộ và phần lớn những sản phẩm này được xuất khẩu với giá trị cao.Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của ông Hưởng, khoảng 3 năm trở lại đây nghề thêu truyền thống cảu Từ Vân gặp rất nhiều khó khăn, chí phí đầu vào tăng đột biến, nếu như trước kia 01 gram chỉ tơ tằm chỉ có giá khoảng 50-70.000 đồng thì nay tăng lên hơn gấp đôi khoảng 150-200.000 đồng. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công cũng rất cao trong khi giá trị của sản phẩm tăng không nhiều nói chung thu không đủ bù chi đã khiến cho làng thêu Từ Vân gặp không ít khó khăn. Nhưng vấn đề khó nhất hiện nay của Từ Vân lại là sự thiếu hụt nguồn nhân lực.

 

Lý giải thêm về vấn đề này ông Hưởng cho biết, nếu như cách đây khoảng 3 năm nghề thêu chiếm tới 80% lao động của Từ Vân thì nay chỉ còn khoảng 30% số lao động của làng nghề còn gắn bó với nghề truyền thống và hiện số này đang tiếp tục suy giảm. Nguyên do thì có nhiều nhưng chủ yếu là do thu nhập từ nghề quá thấp chỉ khoảng 50.000/ngày/người nên không hấp dẫn được người lao động. Thêm vào đó, Từ Vân nằm sát với nội thành và cụm công nghiệp Quất Động nên người lao động có nhiều cơ hội tìm được việc làm với mức thu nhập cao hơn nên số lao động làm nghề truyền thống của Từ Vân ngày một thiếu hụt nhất là lao động trẻ có khả năng tiếp thu và sáng tạo những mẫu mã sản phẩm mới.

 

Chị Nguyễn Thị Hường chủ cơ sở sản xuất Cường Hường cho biết: mới đây gia đình chúng tôi đã phải từ chối đơn hàng 10.000 sản phẩm tranh và túi thêu của một doanh nghiệp Hàn Quốc do không đảm bảo được thời gian giao hàng. Cho dù, chúng tôi đã đi khắp các làng nghề xung quanh nhưng không tìm đâu cho đủ nhân lực để làm, biết rằng đây là cơ hội hiếm có vì đơn hàng khá lớn nhưng quả thực là chúng tôi không thể làm gì hơn được.

 

Để giải quyết những khó khăn trước mắt một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề đã tìm cách tận dụng lao động dư thừa ở các địa phương xung quanh đồng thời xây dựng các khu vực sản xuất vệ tinh ở các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hòa Bình, Lạng Sơn… Tuy nhiên, lao động ở những khu vực này chất lượng tay nghề còn rất yếu chỉ có thể đảm nhận được phần thô còn phần hoàn thiện vẫn phải cần tới tay nghề của người thợ Từ Vân nên năng suất vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

 

Để nghề thêu truyền thống của Từ Vân không mai một trước khó khăn đồng thời tiếp tục phát triển đi lên, Từ Vân rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan về vấn đề đào tạo, mở rộng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất của làng nghề, ông Hưởng cho biết thêm.

 

Bảo Ngọc