Xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) là một trong những địa phương đầu tiên của Thanh Hóa được ghi tên vào danh sách địa phương xuất khẩu được những sản phẩm làm bằng mây tre đan ra thị trường nước ngoài. Từ những sản phẩm nhỏ bé như những chiếc chao đèn lồng, lẵng hoa, rổ, rá... mà tên đất, tên làng đã vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia... Tuy nhiên, giữ được sự hưng thịnh cho nghề đang là vấn đề trăn trở của chính quyền các địa phương và người dân làm nghề.


Các cụ cao niên trong làng cho biết, trong cơ chế bao cấp, do thị trường không lớn nên nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh hoạt động theo kiểu tự sản tự tiêu, chủ yếu lấy công làm lãi, hàng hóa có chất lượng thấp, mẫu mã đơn giản, đa phần tiêu thụ ở các xã quanh vùng, chỉ xuất khẩu được số lượng rất ít sang Liên Xô và một số nước Đông Âu. Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với sự đổi thay của đất nước, làng nghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ năm 2000 đến nay, xã Hoằng Thịnh đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng như rổ, rá, sọt đựng hoa quả cung cấp cho các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc với số lượng lớn. Xác định uy tín, chất lượng là hàng đầu, các nghệ nhân làng nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nên các sản phẩm rất đa dạng và phong phú.

 

Hiện tại, toàn xã có 80% số hộ tham gia sản xuất tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già cho tới các em nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều tổ hợp tác sản xuất với quy mô lớn đã được hình thành, năng lực sản xuất 50.000 - 60.000 sản phẩm/ngày. Mấy năm trở về trước, nếu chỉ tranh thủ thời gian rỗi để đan lát, mỗi người dân cũng có thể dễ dàng kiếm được 30 - 40.000 đồng /ngày, người giỏi nghề có thể đạt từ 80.000 đến 100.000 đồng /người/ngày... Nhưng khoảng hơn 1 năm trở lại đây, do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, khiến nhiều lao động chuyển sang làm nghề khác, sản phẩm làm ra giảm dần.


Tại xã Hoằng Hải,  HTX sản xuất tiểu - thủ công nghiệp đi vào hoạt động với nghề làm bông bèo đang chứng tỏ được hiệu quả kinh tế hàng năm. Nếu không tận mắt chứng kiến, khó ai có thể nghĩ rằng từ nguyên liệu bèo tây được sấy khô, cùng với đôi tay khéo léo của người thợ, sản phẩm làm ra lại là những chiếc túi xách, rổ, khay đựng hoa quả, thùng đựng rác... khá bắt mắt. Cùng với việc giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người /tháng, hàng năm HTX đã xuất khẩu hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường nước ngoài...

 

Từ mô hình này, cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa khuyến khích bà con “nhân nghề”, tạo nhiều việc làm cho người lao động, phục vụ xuất khẩu và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó tập trung vào các nghề có thế mạnh và thị trường như mây tre đan, bện bèo, đan cói, thảm xơ dừa, bẹ ngô, mộc cao cấp mỹ nghệ... Đến nay, toàn huyện đã có 49/49 xã, thị trấn du nhập, phát triển 15 nghề với 20 sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu như mây tre đan, tăm hương, đèn lồng, đan móc sợi, mây giang xiên, dệt len, thu hút khoảng gần 20.000 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 1,7 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng...

 

Quá trình phát triển ngành nghề tiểu – thủ công nghiệp từng bước gắn kết doanh nghiệp trong việc cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm với tổ chức đào tạo nghề, phát triển nghề và xây dựng làng nghề; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với việc lựa chọn phát triển sản phẩm chính và sản phẩm độc đáo của mỗi làng nghề. Sự phát triển của các làng nghề đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở huyện Hoằng Hóa, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn ở nông thôn. Đặc biệt nó làm thay đổi rõ nét diện mạo của các làng nghề, của một nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, ngoài khó khăn về thị trường, nghề mây tre đan hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu khiến giá thành sản phẩm làm ra tăng nên không có sức cạnh tranh với các mặt hàng đồ gia dụng từ chất liệu khác. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở không có kho bãi tập kết nguyên liệu cũng như chứa sản phẩm khiến lượng nguyên liệu nhập về và sản phẩm làm ra hay bị ẩm mốc khi chưa tiêu thụ kịp, làm giảm chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đối với hàng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như các nước châu Âu thì việc sản phẩm bị ẩm mốc coi như bị loại.

 


Theo các chuyên gia, để ngành mây tre đan phát triển, trước hết, phải tăng cường việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm có tính ổn định và lâu dài. Do hầu hết làng nghề mây tre đan ở Thanh Hóa có quy mô nhỏ lẻ, nên để nghề này phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự phối hợp, liên kết các làng nghề trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ từ việc xây dựng, khai thác nguyên liệu tại chỗ, xây dựng kho bãi và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhất là trong hành trình du lịch khám phá xứ Thanh trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có một làng nghề truyền thống nào trở thành điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn du khách. Mặc dù thời gian qua, một số khách trong tour du lịch tại Thanh Hóa đã kết hợp tham quan, mua sản phẩm ở một số làng nghề truyền thống nhưng không nhiều. Ngày 25-9-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định 3136/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch làng nghề; đưa du lịch làng nghề trở thành điểm nhấn, kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với các thương hiệu, sản phẩm truyền thống của Thanh Hóa; Phát triển du lịch làng nghề thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, góp phần “xây dựng nông thôn mới” của các địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Theo Quyết định 3136/QĐ-UBND, Thanh Hóa quy hoạch các làng nghề thành điểm du lịch, lựa chọn 15 làng nghề để đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong Năm Du lịch quốc gia 2015, trong đó, huyện Hoằng Hóa có làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Hoằng Thịnh và làng nghề mộc xã Hoằng Đạt. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để các làng nghề ở Hoằng Hóa nói riêng và Thanh Hóa nói chung phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

 

CTV