Cụ thể, việc hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học; chế biến nguyên liệu… Bên cạnh đó còn hỗ trợ xây dựng thí điểm nhằm nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu của Vĩnh Phúc là các mô hình TDKT phải có những tác động và đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh nhà.Theo đó, mô hình TDKT phải là hình mẫu tối ưu cho một giải pháp sản xuất, có tính đại diện cho vùng, ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua mô hình TDKT để xây dựng năng lực và chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị, cơ sở sản xuất cộng đồng. Kỹ thuật chuyển giao phải phù hợp với trình độ và các điều kiện thực tế của doanh nghiệp và có khả năng nhân rộng.
Với chủ trương trên, ngay trong năm 2017, Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình TDKT có hiệu quả kinh tế và xã hội đáng kể. Điển hình là “Mô hình TDKT sản xuất chế phẩm chăm sóc xe ô tô” do Công ty cổ phần Công nghệ Lavitec thực hiện. Với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017 hỗ trợ 400 triệu đồng, mô hình TDKT đã giới thiệu quy trình sản xuất chế phẩm chăm sóc xe ô tô và một số sản phẩm sản xuất thử. Đây là dây chuyền sản xuất tương đối đồng bộ, khép kín, máy móc thiết bị hiện đại, có công suất thiết kế hơn 1 triệu lít sản phẩm/năm. Mục tiêu của mô hình là tạo ra bộ chăm sóc xe hơi hoàn thiện từ ngoại thất, nội thất, kính xe vành và lốp - những sản phẩm có chất lượng cao và là giải pháp chăm sóc xe hơi chuyên nghiệp, an toàn, góp phần giải quyết việc làm cho gần 40 lao động. Công ty đã liên tục có những đơn hàng lớn, dài hạn trong nước và hy vọng sẽ có thể xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, Myanmar… Cũng trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ Công ty TNHH Thương mại Tôn Phương Nam ứng dụng máy dập tôn sóng trong sản xuất tôn lợp. Hệ thống thiết bị đi vào hoạt động tạo ra các sản phẩm như tôn 6 sóng, 11 sóng, tôn bọc xốp có chất lượng và tính thẩm mỹ cao cho thị trường.
Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay Vĩnh Phúc đang ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu; sản phẩm thuộc các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp trọng điểm của tỉnh; sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động. Ưu tiên các chương trình, đề án thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn các xã trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới…
TBT