Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các mô hình trình diễn đều đem lại những kết quả rất khả quan.


Đơn vị tham gia xây dựng mô hình trình diễn có nhiều cơ hội để đầu tư công nghệ, tích lũy kinh nghiệm nhờ được tư vấn, hỗ trợ cả vốn và kỹ thuật. Những đơn vị tham quan cũng có nhiều cơ hội học hỏi, tìm hiểu, rút kinh nghiệm về những cách thức làm ăn mới.


Nâng cao năng lực cạnh tranh


Nam Định là địa phương phát triển chăn nuôi mạnh với  tổng đàn lợn trên địa bàn hiện nay có khoảng 850.000 con, trong đó có 40.000 con lợn nái cung cấp hơn 2 triệu con lợn sữa/năm. Tuy nhiên, do cả Tỉnh chỉ có Công ty TNHH Công Danh là doanh nghiệp (DN) duy nhất sản xuất chế biến thực phẩm đông lạnh xuất khẩu nên mức tiêu thụ chậm, chỉ đạt 80.000 tấn/năm. Để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1), Công ty TNHH Công Danh đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm đông lạnh với sản phẩm chủ yếu là lợn thịt và lợn sữa đông lạnh. Tại buổi trình diễn kỹ thuật mô hình chế biến thực phẩm đông lạnh xuất khẩu ngày 14/6/2016 vừa qua, ông Ninh Văn Hiểu - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nam Định đánh giá: Với mô hình này, sản phẩm xuất khẩu của Công ty TNHH Công Danh luôn đảm bảo từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến quá trình chế biến, đóng gói thành phẩm đều được giám sát chất lượng trước khi nhập kho đông lạnh. Trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố Nam Định.


Tháng 6/2015, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu đầu tiên của tỉnh Gia Lai đã được "trình làng". Với tổng chi phí đầu tư đạt gần 7 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 350 triệu đồng, mô hình đã cho ra hạt tiêu thành phẩm có hạt chắc, đều và thơm hơn, đạt yêu cầu xuất khẩu về độ ẩm. Hiệu quả kinh tế của dây chuyền chế biến hồ tiêu công suất cao tạo ra doanh thu bình quân cho doanh nghiệp là 250 tỷ đồng/năm; sản lượng đạt 3.500 tấn tiêu/năm; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động địa phương.


Mấy năm trước, Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh cũng đã hỗ trợ cơ sở của anh Dương Tiến Hải xây dựng mô hình trình diễn máy sấy tôm, cá khô theo tiêu chí: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Với công nghệ sấy bằng hơi nóng gián tiếp thông qua bộ trao đổi nhiệt, bụi và mùi carbon, lưu huỳnh của than đá không vào trực tiếp buồng sấy nên chất lượng tôm, cá khô được đảm bảo, dây chuyền đã giảm được công lao động đảo tôm, cá trong quá trình sấy. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ thành công này, anh Hải đã quyết định đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm, mở rộng thị trường.


Theo đánh giá của các trung tâm khuyến công, hầu hết các mô hình đi vào hoạt động đều  góp phần tăng giá trị sản xuất của DN, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của nông dân, quảng bá sản phẩm cho các DN tham gia xây dựng mô hình, góp phần ổn định tình hình kinh tế,  xã hội tại các vùng nông thôn.


Những kinh nghiệm hay


Theo các chuyên gia, để mô hình trình diễn có hiệu quả, điều quan trọng là phải biết lựa chọn mô hình phù hợp lợi thế địa phương với phương án kinh doanh hợp lý. Kinh nghiệm của Trung tâm khuyến công Thái Bình là phải biết tận dụng sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương. Bản thân Trung tâm khuyến công phải có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tinh thông nghiệp vụ, có cơ sở máy móc thiết bị và phương tiện đủ mạnh để tổ chức triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật. Các trung tâm cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung, đối tượng, chương trình tổ chức thực hiện, giúp cho các DN, nhà đầu tư thấy rõ để tham gia. Biết lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội. Công tác tổ chức, xây dựng mô hình và triển khai thực hiện phải có kế hoạch, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa trung tâm và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư). Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát trong và sau quá trình triển khai thực hiện, kịp thời khắc phục khó khăn, rút kinh nghiệm, mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình.


Đặc biệt, hình thức hỗ trợ có thu hồi được Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng triển khai từ năm 2004 thông qua nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã tỏ ra rất  hiệu quả. Mức hỗ trợ căn cứ trên tổng mức đầu tư của đề án, nội dung và hạng mục hỗ trợ chủ yếu là xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Thời gian hỗ trợ tối thiểu là 3 năm và tối đa là 5 năm, DN phải hoàn trả toàn bộ kinh phí được hỗ trợ cho chương trình khuyến công. Hình thức hỗ trợ này còn tránh được tâm lý ỷ lại, các DN phải có trách nhiệm hoàn trả để bảo toàn quỹ tiếp tục hỗ trợ DN khác.


Còn nhiều băn khoăn


Thực tế, việc tổ chức, nhân rộng các mô hình trình diễn ngày càng hiệu quả nên được các địa phương đánh giá rất cao, tạo niềm tin cho các DN, cơ sở sản xuất. Đa số các mô hình trình diễn khi được nghiên cứu triển khai đều có hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với trước. Tuy vậy, để khuyến khích xây dựng, nhân rộng mô hình vẫn là bài toán khó. Lý do là nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít so với lượng vốn yêu cầu. Mặc dù hiện nay, mức hỗ trợ tối đa từ nguồn kinh phí khuyến công được nâng lên 500 triệu đồng/dự án nhưng với  những dự án thuộc lĩnh vực cơ khí, chế biến sâu cần tới hàng chục tỷ đồng thì số vốn hỗ trợ này vẫn chưa đủ khuyến khích các DN thực hiện đổi mới công nghệ. Với nhiều DN nhỏ, trình độ quản lý, khả năng tiếp cận kỹ thuật tiên tiến còn nhiều hạn chế nên việc xây dựng, duy trì mô hình còn khó khăn.  Vì vậy, các DN rất mong muốn được tăng mức hỗ trợ kinh phí, đồng thời Nhà nước có thêm các giải pháp hỗ trợ về thị trường, kỹ thuật để giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của DN.


KHÁNH CHI