Vừa qua, tại Bắc Kạn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp 1 (IPC1) phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn (TTKC Bắc Kạn) và Công ty cổ phần SAHABAK tổ chức trình diễn “Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván dăm”.


Hiện nay, cả nước có 1.200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ, trong đó trên 300 doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu, Việt Nam đang đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD/năm, trong đó ván gỗ nhân tạo sẽ giữ vai trò chủ lực. Sản phẩm đồ mộc: Bàn, ghế, giường, tủ, tủ bếp, vách ngăn, sàn nhà, ốp tường, ốp trần... làm từ ván gỗ nhân tạo rất thích hợp cho nội thất gia đình, công sở, trường học, khách sạn, nhà hàng, nhà văn hoá, cung thể thao... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời phát huy nguồn lực của địa phương, Công ty cổ phần Sahabak đã đầu tư xây dựng hệ thống trang thiết bị chế biến gỗ ván dăm với công suất 4.000 m3 sản phẩm/năm với tổng mức kinh phí đầu tư lên đến 10 tỷ đồng. Đây là một dự án lớn, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc cho Công ty phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp khác trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao.

 

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván dăm là dự án có tính thực tiễn, tính khả thi cao, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh, dự án còn tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gỗ ván dăm sẽ góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc, diện mạo công nghiệp của khu vực huyện Chợ Mới nói riêng và cho tỉnh Bắc Kạn nói chung, tạo nên một công trình sản xuất hiện đại, có chức năng phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo sức hút mạnh mẽ với khách hàng trong nước và quốc tế. Thông qua dự án này, các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ biết đến địa phương như là một cơ hội lớn để đầu tư và khai thác.

 

 Ông Ngô Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương đánh giá cao việc dựa vào thế mạnh của địa phương để xây dựng mô hình sản xuất ván dăm của IPC1 và Trung tâm KC Bắc Kạn. Ông cho biết, tài nguyên khoáng sản khai thác phù hợp là bài toán khó mà Bắc Kạn đã và đang tích cực triển khai. Việc phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản đã và đang đòi hỏi sự thu hút đầu tư lớn. Mô hình sản xuất phát triển đồng hành cùng lợi ích của người dân của Công ty cổ phần SAHABAK, không những phát huy thế mạnh của mình mà còn gắn bó mối quan hệ của nông dân và doanh nghiệp.
 

AIP