Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, Giáo sư Đào Nguyên Cát cùng đông đảo đại diện các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các hiệp hội doanh nghiệp logistics, chủ tàu, chủ hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của xuất nhập khẩu trong những năm qua đã khiến logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại quốc tế và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics ở nước ta còn thiếu chuyên nghiệp, làm thuê cho công ty nước ngoài ngay trên sân nhà.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm để có thể phát triển ngành logistics trong tình hình hiện nay như cơ sở hạ tầng, khung thể chế pháp lý, người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, cũng như những vấn đề mang tính xu hướng phát triển của ngành hiện nay như áp dụng công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế quốc tế hay chuyển đổi cơ cấu xuất nhập khẩu làm thay đổi tập quán mua CIF bán FOB của các doanh nghiệp.
Tham gia Diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu đã nêu ra những thực trạng của ngành logistics hiện nay, những bất cập trong cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển của ngành cũng khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp đang gặp phải và đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Theo các chuyên gia, quy mô doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ logistics còn nhỏ, manh mún. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này là sự thua thiệt lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông Việt Nam đang rất yếu kém, doanh nghiệp logistics trong nước yếu về tài chính, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả, v.v...
Bên cạnh đó là sự chậm trễ các thủ tục hành chính, có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý cũng như văn bản pháp luật ảnh hưởng tới sự hiệu quả của hoạt động logistics. Biểu hiện cụ thể là chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm tới 25% GDP cả nước, dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước, trong khi tỷ lệ này ở các nước đang phát triển khác là khoảng 15% - 20%, ở các nước phát triển là khoảng 10% - 13%.
Thảo luận tại Diễn đàn, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam dự kiến năm 2015 là 395 - 408 triệu tấn và đạt 634 - 678 triệu tấn vào năm 2020. Tiềm năng và xu thế phát triển logistics của Việt Nam sẽ tập trung ở 4 vùng kinh tế trọng điểm, 15 khu kinh tế ven biển, 289 khu công nghiệp và 3 hành lang kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu, dịch vụ logistics có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển hạ tầng gia thông vận tải, cảng biển, các phương thức vận tải. Do vậy cần phát triển dịch vụ logistics tại các nhóm cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế và các cảng có lợi thế phát triển trung chuyển.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã nêu ra những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp ngành logistics cũng như đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi Việt Nam đang tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, Việt Nam đang tiếp tục tiến hành đàm phán một số hiệp định thương mại tự do khác với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Liên bang Nga, v.v... Điều này đã thực sự mở ra những cơ hội to lớn cho thương mại phát triển trong thời gian tới nhưng cũng tạo những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp cần thiết phải nắm bắt tình hình để tận dụng những cơ hội và giảm thiểu những thách thức do hội nhập mang lại.
Đúng như mục đích ban đầu đặt ra, Diễn đàn đã thực sự trở thành một kênh đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc đối với các bên và nêu ra những hướng giải quyết. Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, những khó khăn, vướng mắc hiện doanh nghiệp đang gặp phải và đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có những biện pháp để tháo gỡ. Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan đã có những giải đáp rất thiết thực đối với những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp tại Diễn đàn.
Diễn đàn dự kiến sẽ được tiếp tục tổ chức thường niên nhằm tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong lĩnh vực logistics trong thời gian tới.
Cục Xuất nhập khẩu