Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động KC đang ngày càng đi vào chiều sâu, công tác quản lý nhà nước về KC ngày càng được củng cố. Tổ chức hệ thống KC đã được quan tâm đầu tư, kết nối hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án KC từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động KC tại các địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.
Cần khắc phục tình trạng “dễ làm khó bỏ”
Bất cập lớn nhất là tư tưởng “dễ làm khó bỏ” đã khiến cho quy mô các hoạt động KC thời gian qua còn quá nhỏ và mất cân đối giữa các nhiệm vụ. Nhiều địa phương vẫn chỉ tập trung thực hiện các hoạt động đào tạo nghề và xây dựng dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chưa mở rộng thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công khác theo 7 tiểu chương trình tại Quyết định số 136/2007/QĐ- TTg. Ví dụ, ở khu vực miền Trung Tây Nguyên, trong bảy nội dung thì riêng công tác đào tạo nghề đã chiếm 38,33% kế hoạch kinh phí, xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ chiếm 22,87%. Khu vực phía Bắc dành tới 44,98 kế hoạch kinh phí cho đào tạo nghề, 26,61% kinh phí cho xây dựng mô hình trình diễn. Khu vực phía Nam dành chiếm 22,68% kinh phí cho đào tạo nghề, 17,56% kinh phí cho mô hình trình diễn. Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là nội dung tương đối khó nhưng khu vực phía Nam dành 6,96% kinh phí cho lĩnh vực này. Khu vực miền Trung Tây nguyên dành 8,06% kinh phí, khu vực phía Bắc dành 8,77% kinh phí. Điều đáng nói là các hoạt động trong lĩnh vực này đang dừng chủ yếu ở hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm. Trong khi đó, để mở rộng lao động sản xuất phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu, không chỉ cần hỗ trợ đào tạo nguồn lao động bài bản hơn mà còn cần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho cả doanh nghiệp và cán bộ quản lý.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là mặc dù địa phương nào cũng phàn nàn trình độ năng lực của các đối tượng tham gia hoạt động KC còn quá thấp, nhất là năng lực đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nông thôn nhưng lượng kinh phí dành cho chương trình này thường rất thấp. Khu vực miền Trung Tây Nguyên dành cho chương trình nâng cao năng lực chỉ chiếm 3,87%. Còn các tỉnh phía Bắc mặc dù đã tăng 47,08% so với năm 2010 nhưng năm 2011 chỉ dành 1,92% kinh phí cho lĩnh vực này, phía Nam dành 5,4%. Trong khi đó, do yếu về nghiệp vụ nên việc khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và khả năng xây dựng, lựa chọn các đề án KC có tính khả thi tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc thẩm định cấp cơ sở đối với đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia dẫn đến chất lượng đề án đăng ký còn thấp; vẫn còn nhiều đề án không đúng nội dung chương trình, sai dự toán, không xét giao kế hoạch được hoặc khi triển khai thực hiện còn gặp khó khăn vướng mắc. Một số đề án khuyến công chưa tập trung hỗ trợ rõ nét, có hiệu quả vào những ngành, nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương.....
Theo các chuyên gia, ngoài việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích thì việc cân đối kinh phí hợp lý để đảm bảo hoàn thành đề án KC đạt hiệu quả là rất quan trọng
Cần chính sách hỗ trợ tốt hơn
Thủ tục hành chính còn rườm rà và kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu cũng đang là vấn đề các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương đề nghị cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục thanh quyết toán để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khuyến công dễ hơn. Công tác giải ngân còn chậm, 9 tháng đầu năm khu vực miền Trung Tây Nguyên mới mới giải ngân được 51,16% kế hoạch năm.
Công tác nhân cấy nghề tại các xã thuần nông cần phải song hành với công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ doanh nghiệp, đối tượng thu gom, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hoạt động đào tạo nghề của KC được đánh giá là có chất lượng, có địa chỉ, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định nhưng người học ít hào hứng vì mức kinh phí hỗ trợ quá thấp so với mức hỗ trợ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nội dung hỗ trợ còn hạn chế, định mức hỗ trợ cho mỗi đề án KC còn thấp, không còn phù hợp với tình hình giá cả lạm phát hiện nay nên chưa hấp dẫn các doanh nghiệp, cơ sở bỏ vốn ra đầu tư. Ông Dương Hùng Ba, giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN ĐăkLăk cho biết, có những mô hình phải đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ được nhận hỗ trợ tối đa 250 triệu đồng, thủ tục lại khá phức tạp nên họ không nhiệt tình. Đối tượng thụ hưởng chính sách KC cũng hạn chế. Trong khi đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thông qua mạng lưới KC còn chưa rõ. Các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ - CP nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình mới. Nhiều ý kiến đề nghị thành lập Quỹ khuyến công quốc gia để hỗ trợ dưới hình thức cho vay ưu đãi hoặc vay không lãi nhằm giúp các cơ sở CNĐP giải quyết các nhu cầu về vốn. Đồng thời, mở rộng phạm vi hỗ trợ ngoài khu vực nông thôn để tăng cường hiệu quả phát triển công nghiệp địa phương. Bởi lẽ, theo quy định, đối tượng được hưởng hỗ trợ là ở xã, chứ không phải phường. Thế là những nơi được nâng cấp, qui hoạch địa giới hành chính từ xã chuyển thành phường là bà con bỗng nhiên mất quyền lợi, mặc dù sản xuất kinh doanh không có gì thay đổi.
Phát huy nội lực, đẩy mạnh liên kết
Ông Phan Văn Bản, Phó Cục trưởng Cục CNĐP cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động KC, thời gian tới, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động KC tại địa phương. Cục CNĐP sẽ khẩn trương hoàn thiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP sửa đổi trình Chính phủ ban hành trong năm 2011. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ. Công tác chỉ đạo hoạt động KC nên đi theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phân phối, các loại hình phân phối để tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, thời gian qua, hoạt động KC đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn. Nhiều nội dung hoạt động đã và đang đi vào chiều sâu như tư vấn phát triển CN, hỗ trợ đào tạo nghề, trình diễn mô hình sản xuất. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định những ngành, nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương chưa thật rõ nét. Nội dung hoạt động KC cần phải đảm bảo cân đối hơn. Công tác giải ngân cần đẩy mạnh hơn nữa. Tích cực huy động nhiều nguồn lực, tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cán bộ và người dân. Cũng theo Thứ trưởng Vượng, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác KC từ trung ương đến địa phương phải thật sự năng động, tự tin, vận dụng linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở thụ hưởng. Bên cạnh đó, những người xây dựng chính sách cũng phải đầu tư thời gian tìm hiểu thực tế để cho ra những chính sách phù hợp, dễ thực hiện. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT cũng phải chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, quan tâm người lao động. Chỉ khi nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động KC thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT mới có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Ngọc Loan