Thông tư liên Bộ Tài Chính – Bộ Công Thương số 26/2014/TTLT-BTC-BCT (TT 26) hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương thay thế Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT (TT 125) hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công.


Một trong những nét mới của TT 26 đó là điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia đối với một số nội dung hoạt động khuyến công, trong đó có các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Theo đó, mức hỗ trợ được nâng từ 250 triệu đồng/mô hình được tăng lên tối đa 500 triệu đồng/mô hình. Đây thực sự là một tin vui và mở ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp muốn tham gia xây dựng mô hình trình diễn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của công nghiệp nông thôn.


Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là một trong các nội dung của hoạt động khuyến công được các địa phương đánh giá rất cao về tính hiệu quả trong tổ chức, nhân rộng mô hình. Điều đáng nói là phần lớn các mô hình trình diễn sau khi được nghiên cứu triển khai và áp dụng, sản phẩm sản xuất ra đều mang lại hiệu quả vượt trội so với công nghệ và máy móc sử dụng trước đây. Tuy vậy, để khuyến khích xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình hiệu quả hơn nữa, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực, các đơn vị, địa phương cần nắm vững văn bản pháp lý cũng như nâng cao nhận thức về nội dung đầu tư và quy trình xây dựng mô hình.


Trước khi TT 26 ra đời, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho công tác khuyến công gặp khó khăn và hạn chế số lượng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia xây dựng mô hình trình diễn là do mức hỗ trợ dành cho hạng mục xây dựng mô hình trình diễn khá thấp so với nhu cầu. Kinh phí hỗ trợ thấp, trong khi có những đơn vị bỏ vốn đầu tư thậm chí lên tới hàng chục tỉ đồng, thực tế này khiến cho không thuyết phục được cơ sở CNNT, doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình trình diễn.


Bắt đầu từ ngày 08/4/2014, TT 26 với những quy định mới chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức hỗ trợ cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị, hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật tối đa là 30%, nhưng không quá 500 triệu đồng. Mức hỗ trợ áp dụng đối với các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức cá nhân học tập là không quá 100 triệu đồng/mô hình; cụ thể cho các chi phí: hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật.


Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, TT 26 của liên bộ Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã thực sự mở rộng hơn cánh cửa cho các doanh nghiệp công nghiệp địa phương có nhiều cơ hội tăng thêm nguồn vốn để mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, cũng không ít địa phương lại băn khoăn về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí mới sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn nội dung này để có được nguồn hỗ trợ cao. Vì vậy, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và mạng lưới tư vấn viên khuyến công tại địa phương cần khảo sát, lựa chọn đối tượng đơn vị, doanh nghiệp phù hợp đối với hạng mục xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, bảo đảm không có đơn vị, doanh nghiệp khi tham gia thực hiện không đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc xây dựng các mô hình trình diễn khuyến công. Các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sẽ được ưu tiên hỗ trợ khi đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và dự kiến kết quả đạt được ưu việt hơn so với các đề án khác, có phương án kinh doanh hiệu quả và phù hợp với thực tế địa phương.


Huyền Linh