Theo lời "đại gia bún" Nguyễn Xuân Thành (con trai ông Thọ) thì gia đình ông đã ba đời làm bún, còn thôn Ngãi Chánh của xã Nhơn Hậu có khoảng 420 hộ dân thì đã có hơn 50 lò bún đang hoạt động. Nhiều lò bún nổi tiếng như: Hai Tân, Năm Nhất, Vinh Thuận, Chín Xà, Hai Bẹ... góp phần làm nên thương hiệu bún Ngãi Chánh.

 

Trung bình mỗi ngày lượng bún ra lò của cả thôn là 10 tấn, thì công suất máy vẫn chạy chưa hết cỡ. Loại máy ép bún liên hợp do ông Nguyễn Xuân Thọ sản xuất có công suất lên đến 2,5 tấn/ ngày. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống Ngãi Chánh này, ông Nguyễn Xuân Thọ đã từng làm bún theo phương pháp thủ công truyền thống cho năng suất không cao, mức độ lao động khá nặng nhọc qua các công đoạn; xay bột, nhào bột, nén bột và bắt bún. Ông chỉ mơ một ngày quê hương có điện là có thể đổi đời từ những chiếc máy làm bún tự động.

 

Năm 1997 xã Nhơn Hậu mới kéo được điện về. Ông Nguyễn Xuân Thọ đã mày mò học làm ra chiếc máy ép bún tự động và chạy thử thành công với bốn mô-tơ truyền động cho bốn chức năng công tác chính: Đánh bột, ép bún, băng truyền và bơm nước xả... Công suất máy dần được tăng lên qua hiệu chỉnh hợp lý các công đoạn. Chiếc máy sản xuất bún liên hợp hoàn chỉnh đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Thọ đã đạt đến 2,5 tấn bún/ngày trước sự ngỡ ngàng của các thợ bún thủ công làng nghề Ngãi Chánh.Tiếng lành đồn xa, không chỉ sản xuất và lắp đặt theo nhu cầu trong thôn Ngãi Chánh mà chiếc máy liên hợp ép bún của ông Nguyễn Xuân Thọ đã tỏa đi khắp thị xã An Nhơn, vượt ra tận Quảng Ngãi, Quảng Nam, theo bà con Bình Định lên tận Tây Nguyên lập nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Thọ mở hẳn một xưởng cơ khí với tám công nhân, chuyên sản xuất máy ép bún và các loại máy công tác phục vụ chế biến thực phẩm như máy xay, trộn bột, máy làm bánh tráng, bánh ướt, máy ép bánh hỏi... Nhưng máy ép bún liên hợp Ngãi Chánh vẫn là sản phẩm chủ đạo. Xưởng cơ khí và sản phẩm của "kỹ sư... bún" Nguyễn Xuân Thọ đang được các cơ quan chức năng đánh giá, hoàn chỉnh các thủ tục để cấp bằng sáng chế độc quyền.

 

Có máy, bún làm ra nhanh hơn, năng suất hơn. Cứ mỗi kg gạo làm ra được 2,5 kg bún tươi thì lượng gạo tiêu thụ cho cả thôn Ngãi Chánh vào lò bún lên đến hơn 4-5 tấn/ngày. Chỉ có loại gạo khô của An Nhơn làm bún mới ngon, không dính, lại dai. Hằng ngày, bún tươi từ thôn Ngãi Chánh đã nườm nượp tỏa về TP. Quy Nhơn, ra các huyện phía bắc tỉnh Bình Định, theo Đường 19 lên Tây Nguyên. Làm nên hương vị đặc trưng của một làng nghề bún cổ truyền.

 

Dù làm bún nhưng thu nhập chính của người dân nơi đây lại từ nuôi lợn. Nước gạo, phụ phẩm của dây chuyền sản xuất bún là nguồn dinh dưỡng chủ yếu trong chăn nuôi. Hệ thống hầm biogas của các hộ dân thôn Ngãi Chánh được xây dựng từ năm 2005 dùng thắp sáng đèn măng-sông, đun nước nóng, nấu ăn trong gia đình. Điện chỉ dùng ưu tiên cho sản xuất bún bằng cơ giới tự động, chạy ti-vi, tủ lạnh.

 

Phan Nguyễn