Theo Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, thời điểm hiện tại ngành thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu sản phẩm sang 163 nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm đạt 1,1 tỷ USD, dự kiến năm 2013 ngành sẽ đạt 1,5 tỷ USD kim ngạch. Tuy kim ngạch của ngành thủ công mỹ nghệ khá nhỏ bé so với một số ngành hàng xuất khẩu khác nhưng lại là ngành mang lại giá trị gia tăng rất cao, khoảng 70%.
Thế nhưng, nếu nhìn vào bức tranh xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ từ năm 2000 trở lại đây thì có sự sụt giảm thấy rõ. Giai đoạn 2000-2009, tuy kim ngạch của ngành đạt được không cao nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt trên 12% mỗi năm, cá biệt có những năm đạt tới 17-18%. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây mặc dù kim ngạch vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành lại giảm mạnh, chỉ còn ở mức bình quân 6%/năm.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ chắc chắn không phải do thiếu khách hàng, bởi 3 năm trở lại đây các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, EU sang Việt Nam khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tại sản xuất trong nước quá khó khăn, chi phí đầu vào sản xuất ngày một tăng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm ngày một giảm.
Bên cạnh đó, các chính sách, chiến lược phát triển cho ngành còn rất thiếu, thậm chí có những quy hoạch đã được phê duyệt nhưng việc triển khai gần như dậm chân tại chỗ. Tiêu biểu, năm 2008 đã có quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ; Quyết định 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách phát triển ngành mây tre nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu. Ngoài ra, ngành cũng còn thiếu hạ tầng về thiết kế, hạ tầng về xúc tiến thương mại…
Trong môi trường chung không có nhiều thuận lợi nhiều doanh nghiệp, làng nghề đã không vượt qua được “vũ môn”, phải dừng sản xuất hoặc sống lay lắt. Làng nghề thêu Từ Vân là một ví dụ điển hình, chỉ trong vài năm từ một làng thêu nổi tiếng với trên 80% người dân trong làng làm nghề thì hiện nay số lao động này còn rất ít và chủ yếu là người quá tuổi lao động.Thế nhưng, cũng có những DN đã vượt lên và “sống khỏe”, như: Công ty TNHH gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh; công ty TNHH Ngọc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) xuất khẩu 10-15 triệu USD/năm; công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) xuất khẩu trên 20 triệu USD/năm; công ty TNHH Sơn Mài Nhật Linh xuất khẩu gần 2 triệu USD/năm.
Nói về bí quyết thành công của các DN này, ông Lê Bá Ngọc cho rằng: Các DN thành công nhờ cạnh tranh bằng sự khác biệt và có chiến lược phát triển hợp lý và rõ ràng. Cụ thể, với công ty TNHH gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, trong khi cả làng nghề Bát Tràng còn đang sản xuất dòng gốm rất dầy, thì Quang Vinh đã phối hợp với các nhà thiết kế Đan Mạch nghiên cứu, phát triển dòng gốm mỏng, tạo ra thị phần riêng, từ đó mở cánh cửa vào thị trường EU. Hay công ty TNHH Sơn Mài Nhật Linh, họ không sản xuất sản phẩm đại trà, giá rẻ mà tập trung vào một dòng sản phẩm tinh, giá thành rất cao…
Như vậy, đầu tư cho công nghệ, cho thiết kế, tạo nên những sản phẩm mới mang tính khác biệt là con đường sáng của các DN ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới không phải là việc DN nào cũng có thể làm được, do đó sự hỗ trợ về cơ chế, về môi trường sản xuất từ phía Nhà nước là rất cần thiết.
Bảo Ngọc