Tỉnh Nghệ An đang tích cực chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ nhằm thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển. Hoạt động khuyến công với vai trò góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển đã hỗ trợ các địa phương xây dựng làng nghề, giúp các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) phát triển ổn định và bền vững.

Khó khăn của Nghệ An là dù đã có nhiều khởi sắc nhưng nhìn chung tốc độ phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề Nghệ An chưa cao, thiếu bền vững; việc phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm đầu ra, quy mô làng nghề chưa có sức cạnh tranh… Để góp phần khắc phục khó khăn, năm 2017, khuyến công Nghệ An được giao 5,327 tỷ đồng kế hoạch kinh phí, trong đó khuyến công Quốc gia 1,2 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ 3 đề án; UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 4,127 tỷ đồng cho 81 đề án.

Từ nguồn vốn trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An (Trung tâm) đang tổ chức triển khai, thực hiện các đề án như: Hỗ trợ thành lập mới 30 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tăm hương, đũa tre, xiên nước tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại Công ty TNHH lâm sản Khánh Tâm; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nguyên liệu hạt nhựa và các sản phẩm từ nhựa phế thải có công suất 10.000 tấn/năm tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hà Tiến. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 chủ trì thực hiện 2 đề án, gồm: Hỗ trợ đầu tư mới thiết bị máy khắc gỗ tự động (CNC) cho Công ty TNHH Lâm sản FMC (phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa) và Tổ chức khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp, quản lý sản xuất và chiến lược markerting cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Nghệ An.

Trung tâm cũng đang nỗ lực đôn đốc triển khai thực hiện nhiều đề án thuộc các nội dung: Tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp, TTCN và làng nghề; đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc tiên tiến; mua sắm thiết bị, dụng cụ sản xuất cho làng nghề, làng có nghề; hoạt động chỉ đạo phát triển công nghiệp, TTCN và xây dựng làng nghề cấp tỉnh, huyện. Dự kiến, các đề án khuyến công quốc gia sẽ kết thúc vào ngày 10/12/2017 và các đề án khuyến công địa phương kết thúc trước ngày 31/12/2017.

Để công tác khuyến công phát huy hiệu quả, Nghệ An đặc biệt ưu tiên các huyện nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa có công nghiệp, TTCN và làng nghề chậm phát triển. Đồng thời, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm lợi thế, có tiềm năng, kết hợp với các chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học công nghệ… Khuyến khích các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình khuyến công; tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền về sản xuất sạch hơn nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiểu và sử dụng một cách hiệu quả nguồn năng lượng.

Sở Công Thương Nghệ An đang chỉ đạo các bộ phận liên quan tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh làm tốt công tác khuyến công. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành đẩy mạnh hoạt động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công. Từng bước xã hội hóa hoạt động nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề...


CTV. KC