Hoạt động làng nghề khá phong phú, nhiều lĩnh vực, đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều làng, xã đã làm giàu nhờ phát triển kinh tế làng nghề.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2015 phát triển 318 làng nghề, trong đó 150 làng có nghề, bình quân mỗi xã đồng bằng ven biển có 2 - 3 làng nghề, mỗi xã vùng núi thấp có 1 làng nghề, mỗi huyện miền núi có từ 20 - 30 làng nghề. Trong đó, tỉnh chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới; phát triển ngành nghề theo thế mạnh về lao động, tài nguyên trên từng địa bàn, với mục tiêu mỗi năm đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 3.500 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ làng nghề 2.500 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các trường, các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp mỗi năm từ 9.000 đến 10.000 người, đảm bảo đến năm 2015 số lao động trong các làng nghề được đào tạo từ 60 - 80%, tạo việc làm thường xuyên ổn định cho từ 3,5 đến 4 vạn lao động; đồng thời mỗi năm chuyển từ 1,6 đến 1,8 vạn lao động từ sản xuất nông nghiệp sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp.
Trước mắt, tỉnh chủ trương phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là lĩnh vực đa ngành, đa nghề. Do vậy, các cơ sở sản xuất cần tổ chức sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường mở rộng quy mô sản xuất cả về chất lượng và khối lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho khu vực và xuất khẩu. Đối với sản phẩm phục vụ tiêu dùng như: Bún, bánh, mộc, chổi đót, nước mắm... theo nhu cầu thực tế và khả năng tiêu thụ của từng địa phương, của từng làng nghề. Đối với sản phẩm xuất khẩu như: mây tre đan, nứa ghép, thêu ren, móc sợi... sản xuất theo đơn đặt hàng của các đơn vị kinh tế đã ký kết hợp đồng với đối tác. Bên cạnh đó, các địa phương khôi phục và nhân rộng các mô hình sản xuất làng có nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn; chế biến hải sản vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò. Đối với mô hình sản xuất nghề mây tre đan, tỉnh tập trung khôi phục theo hướng tập trung, chuyên môn hóa ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc), Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, sau đó tiến hành nhân rộng ra các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương.
Ðể phát huy thế mạnh của các làng nghề, đồng thời từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân, thời gian tới, các ngành liên quan tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng, qua đó phân loại làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ từng bước di dời vào các khu, cụm công nghiệp; bổ sung nguồn kinh phí, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ xử lý chất thải phù hợp từng lĩnh vực sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Có như vậy, các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của chính những người dân trong khu vực được bảo đảm.
Sở Công Thương tỉnh Nghệ An