Trăn trở với nghề
Nguyễn Văn Tiếp là hậu duệ đời thứ 5 của một gia đình làm nghề mộc chạm khắc gỗ... Ông nội của ông từng là thợ mộc chạm trổ nổi tiếng ở làng Đông Khương xã Điện Phong, huyện Điện Bàn. Ông Tiếp được ông nội truyền nghề khi mới hơn mười tuổi. Khi đất nước hòa bình, trong những năm đầu kinh tế còn khó khăn, nghề mộc chạm trổ khó có đất sống, Nguyễn Văn Tiếp vẫn luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao khôi phục làng nghề của quê mình hồi sinh, đó mới là con đường lâu dài, thỏa ý nguyện của đời mình. Đầu năm 1980, Nguyễn Văn Tiếp quyết chí dựng xưởng để làm nghề mộc. Thời đó, kinh tế khó khăn, sản phẩm mộc chạm trổ thì cũng ít người đặt hàng. Với phương châm “Lấy công nuôi nghề, lấy nghề làm nghiệp” nhờ đó, cơ sở mộc chạm trổ vượt qua tháng ngày gian khó… Dần dần, ông đứng ra nhận thầu những mặt hàng điêu khắc, chạm trổ khắp nơi.
Cùng với việc sản xuất nhiều mặt hàng mộc cao cấp, được chạm trổ tinh vi đẹp mắt, cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước. Cơ sở của ông chủ yếu sản xuất chuyên sâu vào những sản phẩm truyền thống như thiết kế không gian thờ, bàn thờ gia tiên, hoành phi câu đối. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm trang trí nội thất và nhiều sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo như: Tranh tượng, phù điêu...Gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp được làm hết sức cầu kỳ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, chạm khắc những nét hoa văn tạo thành những sản phẩm độc đáo, đa dạng. Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, vừa có giá trị kinh tế, vừa mang giá trị thẩm mĩ văn hóa được giới tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp còn đảm nhận phục chế ở nhiều ngôi chùa, nhà thờ, nhà cổ… trong và ngoài tỉnh. Ông đã từng đảm nhận nhiều công trình lớn như: trang trí chùa Linh Ứng Non Nước (Đà Nẵng), chùa Bà Nà, chùa Bãi Bụt Sơn Trà và nhiều nhà thờ tộc lớn trong và ngoài huyện. Kế tục truyền thống của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp đã không chỉ gìn giữ lấy nghề mà còn biết phát huy, mở rộng phát triển đưa nghề mộc mỹ nghệ vươn xa hơn. Hiện nay, cơ sở sản xuất nghề truyền thống chạm khắc gỗ của ông Nguyễn Văn Tiếp doanh thu hàng năm đạt giá trị gần 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 50 lao động nông thôn với thu nhập gần 2,1 triệu đồng/tháng /người. Với nguyên liệu chủ yếu là cây mít và các loại cây gỗ trồng trong vườn nhà, ông đang đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất -kinh doanh gắn với du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và hàng lưu niệm, khu truyền dạy nghề, khu hoàn thiện sản phẩm, khu tự thao tác cho khách du lịch..., nhằm tạo ra những sản phẩm chạm khắc gỗ truyền thống tinh xảo và đặc sắc mang hồn dân tộc kết hợp với hiện đại, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội
40 năm truyền nghề miễn phí
Ngoài việc không ngừng sáng tạo, Nguyễn Văn Tiếp còn nuôi khát vọng đổi đời cho nhiều con em lao động nghèo trong làng. Ông luôn xác định: muốn sống được với nghề thì chữ “tâm” phải đặt lên hàng đầu. Từ ngày đầu khôi phục lại nghề đến nay, cơ sở mộc Nguyễn Văn Tiếp năm nào cũng nhận ba, bốn chục em theo học nghề. Nhiều em nhà nghèo, không có gạo ăn vẫn được theo học. Điều quan trọng là mỗi học trò có ý chí, tâm nguyện theo đuổi với nghề hay không? Nguyễn Văn Tiếp không chỉ truyền thụ cho các em học nghề mà còn ân cần, chỉ bảo cho các em về nhân cách đạo đức của nghề. Cơ sở điêu khắc của ông có trên dưới 20 thợ chính, phải chia ra làm nhiều nơi để kèm cặp cho vài chục thanh niên trẻ vào học nghề mỗi năm. Bài học vỡ lòng trong nghề điêu khắc cho lớp thợ trẻ là thao tác tay, trong 5 ngày đầu phải tự vẽ mẫu trên gỗ, tập đục đẽo cho dẻo tay. Ai vượt qua được thử thách đầu tiên này thì làm đơn xin được học nghề. Các tháng tiếp theo, ông cấp mẫu cho học trò điêu khắc thử rồi tự tay chỉnh từng đường đục, bày cho từng cách làm nhanh, hiệu quả. Khi quen dần ông mới giao cho thợ chính kèm thêm. Nguyên tắc của ông là không từ chối bất kì ai, nhưng đã đến đây không chỉ có chí mà còn phải có tâm, phải thổi được cái hồn lên tác phẩm, nếu người thợ không yêu nghề thì không thể làm được điều đó. Đã không ít người không giữ được đam mê, nhẫn nại đã nửa đường bỏ nghề. Những ai kiên trì thì ông truyền nghề không tiếc công sức. Những trò làm ra được sản phẩm được trả lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên, làm giỏi sẽ được giữ lại cơ sở với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Nhờ ông Tiếp, mà nhiều thanh niên lêu lỏng, bỏ học giữa chừng, hay thất nghiệp trong làng có công ăn việc làm. Không ít thanh niên khuyết tật cũng tìm đến ông xin được truyền nghề, nhiều người mắc tim bẩm sinh, người khuyết tật chân cũng đã ra nghề thành thạo, đi làm công cho các nơi khác kiếm được thu nhập khá cao. Ông bảo, không nhớ nổi đã dạy nghề cho bao nhiêu thợ, có nhiều người ở tận ngoài Bắc, trong Nam.
Giờ đây, ông Nguyễn Văn Tiếp đã khẳng định được “cái thời” của nghề mộc chạm trổ gắn với du lịch. Trung bình mỗi tháng, cơ sở mộc của ông doanh thu trên 100 triệu đồng. Không dừng lại những gì đã đạt được, trong ông luôn ấp ủ với dự án tạo dựng làng nghề mộc Đông Yên gắn kết với phát triển du lịch. Hiện nay, ông đang tiến hành xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và hàng lưu niệm, khu truyền dạy nghề, khu hoàn thiện sản phẩm và khu tự thao tác cho khách du lịch… sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tìm về với làng nghề.
Với sự lao động bền bỉ và sức sáng tạo không ngừng, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp đã được nhận nhiều giải thưởng: Sản phẩm tinh hoa Việt Nam 2003, Sản phẩm dự thi ấn tượng Quảng Nam 2003, Giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm GOLDEN V 2004-2005, Nghệ nhân làng nghề 2007. Năm 2010 ông đạt danh hiệu doanh nhân tiêu biểu Bộ Công Thương và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nay ông đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Với niềm đam mê của mình, ông luôn mơ ước giữ cho nghề mộc mỹ nghệ truyền thống không bao giờ mai một.
Ngọc Khánh