Làng gốm Bát Tràng từ xa xưa đã nổi danh với rất nhiều sản phẩm gốm sứ nổi tiếng đã ghi đậm dấu ấn tài năng và tâm huyết của những nghệ nhân đang ngày đêm tìm tòi, sáng tạo, tìm ra hướng đi mới cho gốm. Sinh năm 1957, là thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần theo nghiệp gốm, từ năm 10 tuổi, Trần Văn Độ đã bước vào thế giới của gốm, được bố truyền dạy nghề làm gốm như: Tạo hình, in sửa, làm men, chống lò, lại được bác ruột là nghệ nhân giỏi của làng truyền dạy kinh nghiệm pha chế nguyên liệu gốm sứ truyền thống để ra được những sản phẩm mang bản sắc dân tộc.
Ở làng gốm Bát Tràng, mỗi người thợ, mỗi gia đình làm nghề gốm đều có sở trường khác nhau. Có người chú ý nhiều về đường nét sao cho nước men sáng màu, ít vẽ trang trí. Có người lại chỉ để tâm đến những kiểu tráng men 2 lớp trong một sản phẩm hoặc sáng tạo để cho ra lò những đồ gốm thô, gốm men chẩy. Riêng nghệ nhân Trần Văn Độ chọn con đường phục chế những hình khối, màu men cổ. Trải qua bao năm tháng, ông đã phục dựng lại nhiều dòng men cổ như gốm men ngọc… Càng ngày, ông càng nổi tiếng với những màu men mới như màu men đỏ, men chảy, thúy lam, men đá, men nâu. Tới nay, ông đã thực sự làm rạng rỡ tổ tiên với danh hiệu "Vua men gốm Bát Tràng". Các sản phẩm gốm giả cổ của ông đã hội tụ các tinh hoa của gốm Bát Tràng, vừa mang tính dân tộc, vừa có sự cách tân, đổi mới. Đến nay, gia tài của ông đã có trên 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, ông có tới 12 công thức khác nhau, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen...
Trong các tác phẩm của ông, có thể thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như: Gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, men nhiều màu thời Hậu Lê - Nguyễn, gốm men rạn... Bên cạnh những mẫu gốm tạo dáng và trang trí kế thừa truyền thống như các loại ấm rượu, ché, cặp chóe, các mẫu thạp chạm khắc, bình gốm hoa lam thời Mạc, các loại chân đèn, lư hương… mang hồn của Bát Tràng xưa, mang hơi thở của truyền thống gốm sứ Việt, nhiều tác phẩm của ông còn trở nên đặc sắc với những màu men rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, ông đã tái phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê.
Ông cũng là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sản phẩm gốm của nghệ nhân Trần Văn Độ không chỉ nổi tiếng trong nước, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, có mặt trong những sự kiện lớn như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn được đặt làm tặng phẩm cho các phái đoàn ngoại giao. Đó là chiếc đỉnh triều Nguyễn được tặng cho Tổng thống Mỹ; đôi bình thời Trần có hình ảnh vợ chồng Thủ tướng Canada; chiếc bình tặng Thủ tướng Nhật Bản...
Sản phẩm của ông cũng đã theo chân đoàn công tác của Chính phủ làm quà tặng cho các chính khách nước sở tại. Đó không chỉ là niềm tự hào gốm truyền thống Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất… Nếu như men ngọc được các khách hàng châu Âu vô cùng ưa chuộng, thì với men nâu ông cũng đã dành được nhiều hợp đồng với các doanh nhân người Nhật. 150 mẫu sản phẩm phục chế hình khối, màu men cổ của ông đã được những khách hàng người Nhật tiếp tục mang đi giới thiệu ở các nước khác. Ông cho biết: “Gam màu trong bức tranh văn hóa của Bát Tràng đã góp phần nhỏ tạo nên những ấn tượng trong lòng những người nước ngoài về một thứ sản phẩm văn hóa được con người thổi hồn vào đất…”.
Nhiều người cảm nhận được trong ngôn ngữ men của Trần Văn Độ có màu sắc của Phật giáo, đó là một thứ ngôn ngữ trần tục đấy mà thoát tục đấy, rõ là sắc màu của đời thường mà cũng chập chờn như của cõi hư vô… Theo ông, thợ làm gốm phải luôn chú trọng 4 tiêu chuẩn: Dáng, men, tích, họa. Cụ thể: Khi tạo hình cho gốm phải tính toán kỹ độ kết khối của xương, men bảo đảm chịu được mọi điều kiện môi trường thời tiết nắng mưa, phải tùy thộc vào dáng sản phẩm để trang trí màu men cho phù hợp.
Với tài năng thiên bẩm, sự tinh tế và trái tim đầy rung cảm nghệ thuật, Trần Văn Độ đã xác định: Nghề gốm không phải là con đường mưu cầu những danh lợi vật chất mà chỉ là sự thoả mãn khát vọng vực dậy dòng gốm cổ đang chìm dần vì sự “đè nén” của dòng gốm thương mại đang tung hoành. Lò gốm của ông cũng vinh dự nhiều lần được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham quan. Gốm của Trần Văn Độ vừa mang đường nét đột phá, cách tân, nhưng vẫn giữ hồn dân tộc đậm đà, góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng. Hơn 50 hiện vật ông phục chế đều đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích đền Hùng (Phú Thọ), Đền Đô (Bắc Ninh), Đền Cổ Loa, Khu Di tích vua Lê, và Trung tâm Hoạt động Văn hoá - Khoa học Văn Miếu (Hà Nội). Đặc biệt là tượng “cụ rùa Hồ Gươm” là món quà độc đáo mà ông đã dành nhiều tâm sức thể hiện, tạo một món quà nghệ thuật quý chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ông cũng đã mô phỏng thành công mẫu chum đền ông Gióng đã bị mất cắp, đặt tại đền ông Gióng năm 1999.
Với những đóng góp của mình, Trần Văn Độ đã giành Huy chương "Bàn tay vàng" do Liên hiệp HTX Thủ công nghiệp trung ương tặng năm 1990; Giải thưởng Đôi bàn tay vàng của Hội Mỹ thuật Đông Dương (1999). Giải thưởng Hà Nội vàng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cùng Ban tổ chức Hội chợ Doanh nghiệp VN hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phong tặng (2002); Giải vàng Ngôi sao Việt Nam (Hội Mĩ thuật Việt Nam); Từng tổ chức thành công triển lãm Hành trình về quá khứ là 1 trong 5 thợ gốm trẻ của làng gốm Bát Tràng nhận danh hiệu nghệ nhân do Bộ Văn hoá phong tặng... Đặc biệt, năm 2016, ông được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân".
CTV