Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được tổ chức sáng 6/7, tại hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương dự báo, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nên cả năm, cả hai lĩnh vực quan trọng này có khả năng vượt kế hoạch tăng trưởng 12%. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này vẫn cần rất nhiều giải pháp gỡ khó.


Nhận diện khó khăn

Nhìn nhận kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng toàn ngành tuy đạt mức tăng trưởng về sản xuất công nghiệp cao nhưng hiệu quả chưa cao (giá trị gia tăng chỉ là 6%). Nhiều công trình đầu tư chậm tiến độ do doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Một vấn đề nữa là xuất khẩu tuy tăng nhưng chưa vững chắc và nhiều mặt hàng đã đến ngưỡng như cà phê, hạt tiêu… Bên cạnh đó, nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu khiến bài toán nhập siêu vẫn còn nan giải.


Theo Bộ Công Thương, khó khăn nhất hiện nay là giá đầu vào cho sản xuất tiếp tục tăng nhanh hơn giá bán sản phẩm, vì vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không cao. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may không nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư nên các dự án đầu tư đang bị chững lại do tất cả các dự án may, sợi còn khả thi, còn đầu tư các nhà máy nhuộm hoàn tất, xử lý nước thải không hiệu quả đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ nội địa hoá của ngành. Không những thế, cùng với gía sản xuất nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí của các đơn vị cũng tăng rất cao do phải liên tục đào tạo lao động. Các chi phí về làm thêm cũng tăng lên do mất điện, công nhân phải làm thêm để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.


Trong khi đó, tình hình cung cấp điện được dự báo là vẫn khó khăn do hệ thống điện vừa phải huy động tối đa các nguồn điện phục vụ cho cung ứng ở mức cao nhất, vừa sớm khắc phục các sự cố để các nhà máy nhiệt điện hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp trong Hội nghị đều tập trung vào việc ngành điện phải bảo đảm điện cho sản xuất và xuất khẩu, có như vậy các đơn vị mới có thể hoàn thành được kế hoạch cả năm. Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hoà còn đề xuất được đầu tư hệ thống điện riêng trong các mỏ than hầm lò để đảm bảo an toàn cho sản xuất than trong điều kiện điện lưới quốc gia gặp sự cố và tình trạng cắt điện thường xuyên xảy ra.


Cùng chia sẻ về vấn đề thiếu lao động và cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam Nguyễn Thị Tòng than thở “Khó khăn nhất trong 6 tháng cuối năm của ngành da giày vẫn là lực lượng lao động thiếu, người lao động có thu nhập thấp và thị trường nội địa bị cạnh tranh gay gắt”.


Nhiều đại biểu không chỉ đề cập đến việc doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vay vốn tín dụng phục vụ đầu tư do lãi suất vẫn còn ở mức cao mà còn đề cập đến tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghiệp giảm so với các năm trước. Hiện chỉ còn khoảng 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng tới việc tăng cao năng lực sản xuất trong thời gian tới.


Gỡ khó bằng các giải pháp


Nhận diện tình hình trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong Chương trình hành động nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.


Theo đó, Bộ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), TKV và các nhà sản xuất điện khác nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng tối đa cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.


Liên quan đến việc thiếu điện hiện nay, các doanh nghiệp làm điện đều cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại giá điện chứ không doanh nghiệp nào dám đầu tư vào ngành điện. “Có thể là chỉ trợ cấp vài chục số đầu cho người nghèo, còn lại sau đó phải điều chỉnh, nếu không quy hoạch điện tới đây khó thực hiện được”, Tổng Giám đốc TKV Trần Xuân Hoà nói. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Phạm Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh: nếu không điều chỉnh giá điện trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư các dự án điện ở nước ngoài cũng rất khó khăn.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để đẩy mạnh sản xuất trong nước phải hạn chế nhập siêu, nhập nhiều nguyên phụ liệu, nhưng phải phân biệt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt hàng nhập khẩu cho tiêu dùng.


Các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Sở Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty và các Hiệp hội ngành hàng lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xác định cụ thể mục tiêu và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu của từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, trên cơ sở đó xây dựng thị trường hoặc nhóm thị trường trọng điểm để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2010. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.


Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, thời gian tới vẫn phải duy trì nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện các dự án đầu tư cho các ngành cơ bản như năng lượng, hoá chất, dệt may. Vì vậy, các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế cần rà soát việc nhập khẩu thiết bị máy móc cần thiết, dự trữ lưu thông, sản xuất ở mức độ hợp lý. Bộ Công Thương đã và đang xây dựng những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là các dự án tăng năng lực sản xuất cho các năm tới.


Tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho các địa phương về nội dung các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, làm rõ các lợi thế cắt giảm thuế quan qua từng năm đối với từng nhóm hàng mà Việt Nam có thể thụ hưởng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong những tháng cuối năm là tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' một cách bài bản, có chiến lược. Song song là việc triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, trọng tâm là tổ chức các đợt bán hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp để góp phần bình ổn thị trường./.
 

CTV, Mai Phương