Trước hết, theo đánh giá của các chuyên gia, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh như hiện nay chưa đáp ứng được với xu thế phát triển rất nhanh, rất đa dạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hoạt động của các CSCNNT với mục tiêu hướng nội, trong phạm vi không gian nhỏ hẹp, bởi năng lực cạnh tranh yếu kém với một số khó khăn và hạn chế điển hình dưới đây đã trở thành thách thức lớn, thậm chí còn là lực cản trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và những năm tới. Cụ thể:
1. Thiếu vốn đầu tư kinh doanh và rất khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính thức
Trong khi bùng nổ về số lượng, "sức khỏe" và tính hiệu quả của các CSCNNT vẫn đặt ra nhiều vấn đề. Các DN phát triển rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là sau khi Luật DN ra đời. Phần lớn có vốn (vốn tự có, vốn điều lệ...) rất ít, huy động bên ngoài hạn chế, không đủ điều kiện tiếp cận thị trường vốn, năng lực tự huy động không có... Vốn là khó khăn lớn nhất và cũng là điểm yếu nhất của CSCNNT nhất là các khoản vay trung hạn, dài hạn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác do không có các tài sản thế chấp khi vay vốn, nên không đủ khả năng tham gia sản xuất, kinh doanh ở các ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi tập trung vốn lớn và công nghệ cao.. Đặc biệt, các khoản vay có bảo lãnh rất hiếm khi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc đầu tư vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, do nhận thức chưa thông thoáng, cho nên bị hạn chế rất nhiều.
2. Thiếu đất làm mặt bằng kinh doanh:
Hiện nay đa số các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh đều nằm trong tình trạng thiếu đất để làm mặt bằng. Việc xin cấp đất, hoặc thuê đất của doanh nghiệp bị cản trở bởi hồ sơ, thủ tục khá phức tạp. Tất nhiên có một số địa phương tạo điều kiện tương đối thuận lợi, nhưng đó chỉ là số ít. Trước sức ép của thời buổi “tấc đất tấc vàng”, có chủ doanh nghiệp đã phải thốt lên: “Nghĩ đến chuyện xin cấp đất, thuế đất tôi như nhìn thấy trên con đường có những tấm rào không thể vượt qua”. Làm con đường, chỉ cho người ta đích nhưng lại xây rào quá dày, quá cao thì còn nói chuyện gì nữa”. Thực trạng này đang diễn ra và không phải cá biệt.
3. Hoạt động nghiên cứu thị trường còn rất yếu kém.
Khả năng thâm nhập thị trường trong nước và nước ngoài kém. Thiếu thông tin về các thị trường đầu vào, như: thị trường vốn, lao động, nguyên vật liệu, thiết bị, công nghệ, ...làm cho CSCNNT không có khả năng tổ chức các khâu cung ứng, sản xuất một cách tối ưu, dẫn đến năng xuất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng hạn chế, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thương trường.
4. Phần lớn CSCNNT chưa có chiến lược kinh doanh, yếu kém trong quản trị chiến lược:
Hầu hết họ chỉ biết xác định sản phẩm hoặc dịch vụ của mình là gì. Còn CSCNNT đang đứng ở đâu, sản phẩm của mình ở vị trí nào trên thị trường, CSCNNT của mình sẽ như thế nào trong tương lai gần và tương lai xa hơn nữa, thì CSCNNT chưa quan tâm nhiều
5. Kỹ năng quản trị doanh nghiệp yếu kém:
Ở các CSCNNT, thường kết hợp công việc quản trị - quản lý nhằm tiết kiệm chi phí. Khi đó, người quản trị cũng phải lo các công việc quản lý hàng ngày, tình trạng này dễ dẫn đến sự nhầm lẫn hoặc thiếu tập trung trong công việc, nếu nhà quản trị không có ý thức rõ ràng về trách nhiệm và sự tách bạch trong tính chất công việc.
6. Công nghệ lạc hậu
Một thách thức có tính nội tại nhưng không phải là nhỏ nữa là, hiện nay phần lớn công nghệ do các CSCNNT đang sử dụng đã lạc hậu hàng chục năm, có khi vài chục năm. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm làm ra không thể đáp ứng được mẫu mã, chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh, đến việc nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.. Hầu hết CSCNNT đang sử dụng công nghệ từ cấp trung bình đến lạc hậu, khả năng đầu tư nâng cấp công nghệ thấp, tiêu hao nhiều tài nguyên và thường có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
7. Hạn chế về nhân lực và lao động được đào tạo :
Tình trạng lao động không được đào tạo và tay nghề thấp là phổ biến ở các CSCNNT. Có thể nói rằng sự hạn chế về nhân lực và lao động được đào tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả hiệu quả kinh doanh thấp sức cạnh tranh kém
8. Chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng trực tiếp của quá trình toàn cầu hoá, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế:
Tác phong và tư duy của người SX nhỏ chưa quen với điều kiện nền kinh tế thị trường và công nghiệp hoá, thói quen mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác, chia xẻ và thiếu ý thức làm việc theo nhóm, thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn làm việc hợp lý và hiệu quả...
Thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế, về thương mại quốc tế, về toàn cầu hoá và tự do hoá, thiếu các kỹ năng chuyên môn cơ bản và không biết cách sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để có thể xâm nhập thị trường quốc tế; Thiếu sự hợp tác và có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, tư duy .buôn chuyến và thói quen chạy theo các phi vụ làm ăn, chỉ nghĩ đến các lợi ích trước mắt phổ biến trong các CSCNNT
9. Khả năng liên kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế theo ngành và khu vực còn nhiều hạn chế.
Một trong những điểm yếu khác của các CSCNNT là mối liên kết rất hạn chế. Điều này thể hiện cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lẫn năng lực tạo dựng một tiếng nói chung có thể mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và các CSCNNT còn chưa chặt chẽ, dẫn đến hạn chế trong chất lượng, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của cả CSCNNT và doanh nghiệp lớn, chưa khai thác được lợi thế về quy mô của hai khu vực này.
10. Bên cạnh những khó khăn, yếu kém nội tại, CSCNNT còn gặp phải nhiều thách thức từ môi trường bên ngoài, cụ thể:
- Về nhận thức, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định chính sách nhất quán phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhưng trong quá trình vận dụng vào thực tế của một số cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn phân biệt giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, nhất là trong quan hệ giao dịch về đất đai, mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn.
- Hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh do đang được hoàn thiện để phù hợp với hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nên tính ổn định thấp, còn nhiều điểm chồng chéo, thiếu rõ ràng, làm cho CSCNNT rất lúng túng khi vận dụng và chấp hành. Công cuộc cải cách hành chính diễn ra chậm, thiếu đồng bộ cũng gây không ít khó khăn cho CSCNNT khi giao dịch hành chính với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nguyễn Xuân Tiến-TTKC Hải Phòng