Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch đối với các hoạt động khuyến công của các địa phương, đơn vị trong cả nước, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) có Công văn số 285/CNĐP-QLKC hướng dẫn về xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2015.

 

Theo đó, công tác xây dựng Kế hoạch khuyến công năm 2015, cần bám sát chặt chẽ các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công đã có hiệu lực thi hành; chương trình khuyến công và quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần lưu ý một số nội dung sau:


Khi xây dựng kế hoạch ngoài việc bám sát những nội dung quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ, Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương cần làm rõ những đề án ưu tiên, có tính khả thi cao để thuận lợi khi thẩm định giao kế hoạch. Cụ thể: Với hoạt động đào tạo nghề tập trung hỗ trợ một số nhóm ngành nghề chính như: Đào tạo nghề may công nghiệp, da giầy; kỹ thuật sản xuất, sửa chữa, gia công cơ khí; kỹ thuật chế biến nông - lâm - thuỷ hải sản; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (mây tre đan, gốm sứ, cói, thêu ren,..) gắn với vùng nguyên liệu, vùng làng nghề. Các đề án đào tạo nghề mới, gắn với nhu cầu sử dụng trực tiếp lao động của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).


Nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất ra sản phẩm mới và các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng kế hoạch thuộc nội dung này cần lưu ý: Đối với đề án khuyến công quốc gia phải là các công nghệ, sản phẩm mà trên địa bàn cấp huyện chưa có cơ sở nào áp dụng hoặc sản xuất. Đối với đề án khuyến công địa phương, công nghệ mới được lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn phải vượt trội hơn về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hơn so với công nghệ hiện các cơ sở CNNT trên địa bàn đang áp dụng và là công nghệ cần khuyến khích hỗ trợ đầu tư. Với các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả khi lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến tuyên truyền, nhân rộng cho các tổ chức, cá nhân khác học tập phải vượt trội, tiêu biểu về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.


Với nội dung hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phải đáp ứng các điều kiện: Công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật được lựa chọn hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng là những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hoạt động hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các cơ sở CNNT cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục và các quy định khác theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.


Với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Máy móc hỗ trợ ứng dụng là máy móc thiết bị đơn chiếc hoặc cụm thiết bị hoặc nhóm thiết bị cùng loại ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường của cơ sở CNNT. Máy móc thiết bị tiên tiến được hỗ trợ ứng dụng phải là máy móc thiết bị mới; nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng.


Đối với các đề án liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển cụm công nghiệp (CCN) và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần lưu ý các nội dung: Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ tư vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, CCN; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN, cơ sở CNNT.


Về nội dung hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm có quy mô liên tỉnh, liên vùng; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với sản phẩm CNNT; hỗ trợ các cơ sở CNNT thuê tư vấn nhằm phát huy các lợi thế, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tập trung vào các nội dung: lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, đất đai, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới liên quan đến sản xuất CNNT.


Về định mức chi cho các hoạt động khuyến công, căn cứ theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 về việc hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để rà soát kinh phí cho phù hợp. Phân nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương theo đúng quy định hiện hành. Riêng kinh phí khuyến công quốc gia, rà soát lập trên cơ sở phân cấp và mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT.


P.QLKC (ARID)