Năm 2008, HTX Hải Bình ở huyện Na Hang, cách thành phố Tuyên Quang 110 km đã được kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư máy uốn ống trong gia công cơ khí, sửa chữa và đóng mới thuyền trên Hồ thuỷ điện Tuyên Quang.


 Đến nay, HTX phát triển rất tốt, trung bình có từ 3 - 5 lao động, lúc đông trên 10 lao động, với sản lượng khoảng trên 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập trung bình đạt 5tr/người/tháng. HTX Hải Bình là cơ sở tiểu thủ công nghiệp điển hình của tỉnh Tuyên Quang.Tôi rất vui khi nhận được lời mời thật chân tình và mộc mạc của Bình - Chủ nhiệm HTX Hải Bình, huyện Na Hang: “Anh ơi! Đi câu cá với em trên hồ đi!”. Khuôn mặt rạng ngời, tươi rói và đen bóng đầy ánh thép của người làm thợ nghề cơ khí, ở một huyện xa nhất của tỉnh Tuyên Quang. Bình chủ động mượn chiếc thuyền vừa hạ thuỷ mà anh mới bàn giao để hai chúng tôi đi câu cá trên hồ.

 

Tôi không có khiếu văn chương để tạo ra những câu chuyện hài hước như anh - người chủ nhiệm có cái tài mà tôi mong cũng không bao giờ có được. Nhỏ nhẹ, Bình kể với tôi: “Nhờ có khuyến công anh ạ, em có như ngày hôm nay là nhờ khuyến công đấy. Có cái máy uốn ống thì mới làm ra được cái càng điều khiển thuyền trơn chu như thế này! Em vui lắm, trên em cái gì cũng thiếu, đặc biệt là máy móc thiết bị công nghệ cao. Ngày trước, thường phải đặt tại thị xã, nếu không thì phải đúc cát vào mà uốn, thế mà vẫn không được như mong muốn!”. Nhìn Bình lái thuyền sao mà điệu nghệ thế, tôi thấy niềm vui của anh như đang bù đắp cho tôi - cái vất vả của người làm khuyến công.

 

Nói về HTX của mình, với giọng đầy tự hào, Bình kể: “Năm vừa rồi thuyền to em làm 5 cái (hơn 20 tấn), thuyền nhỡ khoảng hơn 10 cái (10 tấn). Còn nhỏ thì nhiều, vài chục cái (3-4 tấn). Ngoài ra, em còn sản xuất đồ dân dụng như lan can, cầu thang, cửa hoa, cửa xếp và rất nhiều thứ khác anh ạ, chắc cũng khoảng 40 đến 50 tấn thép gì đó. Máy uốn ống của em còn cho các cơ sở khác thuê. Công nhân mùa vụ vừa rồi có lúc nhiều thì hơn cả chục. Mà lương trung bình cũng đều được trả hơn 5 triệu đồng một người trên một tháng!”. Tôi đắm chìm trong câu chuyện về cuộc sống và công việc của anh…! Về những dự định trong năm nay? Bình cười và nói: “Em chỉ thích làm cái bếp củi không khói”. Bình mải mê tâm sự: “Em rất thích bếp đó vì giữ được bản sắc người trên này. Bếp hồng quanh năm anh ạ! Bếp ấm là nhà có Phúc và Lộc. Làm sao cho bớt hỏa hoạn, không muội và khói sẽ rất tốt cho sức khoẻ vả lại còn đỡ tốn củi nữa chứ. Em sẽ gia công bếp để cho bà con đun củi ở dưới gầm nhà sàn hoặc chỗ nào thuận tiện nhất. Anh biết không, mỗi khi hồ thuỷ điện rút nước là củi khô và nỏ nhiều lắm. Chặt củi rừng thì không được rồi. Theo em, thế thì ai mà chẳng thích ”.

 

 Đêm đã về, trời đặc sánh một màu trắng bồng bềnh sương lạnh, cái giá rét của chín mươi chín ngọn núi đến bên khung cửa nhà anh. Tôi ngồi bên bếp lửa rực hồng, say đắm và cảm nhận cái ran rát của than hồng, mùi thơm của món cá nướng. Một chút rượu ngô đặc sản của vùng đất xa xôi nhất của Tuyên Quang và được tri ân cùng với con người hết lòng vì cuộc sống vùng dẻo cao. Trong thâm tâm tôi cầu chúc cho Bình sẽ luôn thành công, với những ý tưởng đang nung nấu rực lửa hơn bếp hồng kia và hơn những gì anh đang mong muốn.Tuyên Quang, tháng 3 năm 2012

 

 

 


Trần Đức Giang - TT Khuyến công tỉnh Tuyên Quang