Các đề án khuyến công tập trung vào các hoạt động: Đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 750 lao động, bao gồm các ngành nghề: gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, thêu tranh nghệ thuật, thêu ren, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò và may công nghiệp…; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật lò nung gốm và hỗ trợ 02 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; hỗ trợ 44 lượt doanh nghiệp, cơ sở tham gia hội chợ triển lãm khu vực; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 02 cụm công nghiệp; tổ chức 02 hội thảo, 07 đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh; hỗ trợ thành lập 03 hợp tác xã…
Những kết quả từ công tác khuyến công giai đoạn vừa qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của Ninh Thuận. Tốc độ tăng trưởng bình quân CNNT của địa phương giai đoạn 2008 - 2013 đạt 21,08%, tốc độ tăng bình quân toàn ngành công nghiệp Ninh Thuận là 12,56%/năm.
Giai đoạn tiếp theo, để ngành công nghiệp phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ninh Thuận xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chương trình Khuyến công giai đoạn 2014 – 2015 và định hướng đến năm 2020 của Ninh Thuận nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, dịch chuyển và phân công lao động giữa các ngành, xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của Chương trình là góp phần nâng giá trị sản xuất CNNT của Ninh Thuận đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15%/năm. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT từng bước đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến và đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Cụ thể, tổ chức 75 lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho khoảng 2.250 lao động, nâng tỷ lệ lao động trong công nghiệp qua đào tạo đạt 30% vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 35%; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho 1.500 lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, cơ sở CNNT; hỗ trợ 40 doanh nghiệp, cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị tiên tiến; hỗ trợ 15 doanh nghiệp, cơ sở CNNT áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ chương trình phát triển sản phẩm CNNTTB; hỗ trợ tư vấn – cung cấp thông tin, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; xây dựng 4 mô hình liên doanh liên kết – hợp tác phát triển; lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng 06 cụm công nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện chương trình khuyến công...
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện Chương trình, bên cạnh nguồn kinh phí khuyến công địa phương do UBND tỉnh cân đối hàng năm và kinh phí KCQG theo kế hoạch – đề án khuyến công được phê duyệt, cần tăng cường huy động nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời phải có sự phối hợp với các cấp, ngành liên quan nhằm tranh thủ các nguồn vốn của các tổ chức khác hoặc lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác liên quan để triển khai thực hiện tốt Chương trình khuyến công.
Đồng thời, hình thành và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, cộng tác viên khuyến công từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã nhất là những kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công.
ANH NGỌC