Do biết kết hợp giữa trình diễn với sản xuất, doanh nghiệp sản xuất tơ lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn đã nhanh chóng đứng vững bằng những dòng sản phẩm riêng biệt. Hiểu rõ thế mạnh của nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, biết tận dụng nguồn nguyên liệu của nghề tằm tơ tại địa phương cộng thêm sự giúp sức của các ngành chức năng trong đó có Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng, Cường Hoàn đã nhanh chóng lớn mạnh. Giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường tơ lụa thường xuyên biến động, Công ty đặt mục tiêu phải tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách hợp lý hóa các dây chuyền sản xuất, chủ động lập kế hoạch thu mua kén tằm chất lượng với giá cao hơn giá thị trường để có nguồn nguyên liệu tốt phục vụ các đơn hàng chất lượng cao. Để tăng thu trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp còn mạnh dạn xây dựng kho lạnh vừa đảm bảo nâng cao chất lượng tơ, vừa tận dụng nguồn nhộng tằm sau khi tách kén.
Đồng hành với những khó khăn của các doanh nghiệp trực thuộc ngành, những năm qua, Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng đã giúp sản phẩm tơ lụa và thương hiệu Cường Hoàn chiếm lĩnh thị trường nội địa thông qua hàng loạt các đợt xúc tiến thương mại cấp quốc gia. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty đã đến được với thị trường nội địa thông qua các hợp đồng tiêu thụ ổn định sản lượng được ký kết thành công. Đây cũng chính là một trong những phương thức hỗ trợ hữu hiệu giúp các mô hình doanh nghiệp trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp địa phương có thêm một bệ tỳ vững chắc.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của mô hình trình diễn tiểu thủ công nghiệp này, mỗi năm, điểm dừng chân Cường Hoàn đã đón nhận hàng chục ngàn lượt du khách mà đa phần là khách du lịch quốc tế ghé thăm để tự mình được chiêm nghiệm và hiểu biết về một ngành nghề truyền thống của Việt Nam. Một định hướng đúng đắn, cộng thêm sự hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng đã góp phần tiếp thêm sức mạnh để mô hình phát triển và có sức lan tỏa rộng./.
Thanh Tâm