Hội nghị công tác khuyến công của 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc chủ trì hội nghị.


Báo cáo tại hội nghị cho biết, tổng kinh phí khuyến công được duyệt theo kế hoạch năm 2010 của cả khu vực Miền Trung- Tây Nguyên là 23,748 tỷ đồng, tăng 30,30% so với năm 2009. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 10,234 tỷ đồng (tăng 43,33% so với năm 2009); kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 13,514 tỷ đồng (tăng 26,48% so với năm 2009).

Theo đánh giá tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2010, hoạt động khuyến công của các tỉnh trong khu vực tiếp tục duy trì và phát triển tốt. Cụ thể, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.870 lao động; tổ chức 2 hội nghị tập huấn, 2 lớp đào tạo, 1 hội thảo; thực hiện 2 mô hình trình diễn; tổ chức 1 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung- Tây Nguyên lần thứ III; hỗ trợ 20 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ Thương mại Phú Yên năm 2010; xuất bản 6 bản tin khuyến công, sản xuất và phát sóng định kỳ được 23 tin...

Với nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 13,514 tỷ đồng, tăng 26,48% so với năm 2009. 6 tháng đầu năm 2010, các tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 1.890 lao động; đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 100 người; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 608 người; tổ chức 4 đoàn tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước cho 67 người; xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho 8 cơ sở công nghiệp nông thôn. Ngoài ra, còn có các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ liên doanh liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm điểm công nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và các hoạt động khuyến công khác cũng rất được chú trọng.

Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, hoạt động khuyến công trong khu vực ngày càng được quan tâm và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần tích cực vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa; tạo việc làm, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa- xã hội ở nông thôn.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về công tác khuyến công tại một số địa phương thực hiện chưa tốt, nhất là việc triển khai sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm ở một số địa phương còn chậm, gây khó khăn cho triển khai thực hiện. Một số trung tâm chưa tổ chức triển khai trực tiếp các đề án khuyến công. Nhiều địa phương bố trí kinh phí còn thấp dẫn đến hoạt động khuyến công còn hạn chế, thiếu tính chủ động và chưa đảm bảo ổn định. Công tác xây dựng chương trình, đề án, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí khuyến công còn chậm so với tiến độ. Chất lượng đề án còn thấp, chưa rõ nét, chưa thể hiện rõ những ngành, nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Việc triển khai các hoạt động khuyến công đơn điệu (chỉ đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực quản lý,…) chưa mở rộng thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công khác theo 7 tiểu chương trình tại Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg. Công tác thống kê, báo cáo còn yếu và chậm. Công tác thông tin tuyền truyền còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đến triển khai thực hiện hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, hội nghị nhất trí thông qua giải pháp hoạt động 6 tháng cuối năm gồm: Tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công bao gồm: Xây dựng chương trình khuyến công địa phương đến năm 2012-2015; quy chế về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công địa phương; quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, kế hoạch và đề án khuyến công địa phương; hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát chương trình khuyến công địa phương đến năm 2012. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia và địa phương năm 2011 đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thứ trưởng Nguyễn Nam Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được thông thoáng. Khai thác có hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế cửa khẩu. Các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng.


 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử