Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ triển khai kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2016 – 2020 trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản xuất nội địa; đến năm 2025, đáp ứng được 65% nhu cầu sản xuất nội địa.
Đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam sẽ tập trung phát triển CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu, gồm: Linh kiện phụ tùng, dệt may - da giày và công nghệ cao. Chương trình phát triển CNHT sẽ góp phần giảm giá thành một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, như: Ô tô, dệt may, da giày, điện tử do các DN lắp ráp sử dụng linh kiện tại chỗ. Về phía DN, bên cạnh quy hoạch và các chính sách hỗ trợ, còn cần sự thông thoáng trong tiếp cận vốn đầu tư và mở rộng nghiên cứu sản xuất.
M.H