Giải quyết ô nhiễm môi trường
Tính riêng lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm thì cả nước có gần 200 làng nghề, chủ yếu sản xuất trên quy mô nhỏ, khép kín, tự phát nên đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ hạn chế. Hậu quả là năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đồng thời thải ra môi trường lượng lớn chất thải đặc biệt là chất thải hữu cơ. Ví dụ, tại “làng xương” ở xã Hoà Bình, Thường Tín, Hà Nội: mỗi ngày làng nhập về khoảng 30 tấn xương các loại, sau đó thải trực tiếp hàng tấn mẩu phế thải không qua bất kỳ khâu xử lý nào.
Chất lượng nước ngầm tại đây đều có hàm lượng COD, TS, NH4 khá cao. Làng Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) chuyên chế biến các sản phẩm nông sản như miền dong, đỗ xanh bóc tách, bún khô, phở khô… Trong làng có khoảng 2000 hộ sản xuất, trung bình mỗi ngày thải ra gần 500 tấn chất thải các loại, nước thải và rác thải chảy xuống cống, ao hồ, mương máng với những mùi đặc trưng. Không khí, đất đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân tại làng nghề, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng.
Bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm
Khó khăn nhất của các làng nghề hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi lẽ, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Nhất là với những đơn hàng yêu cầu lớn về số lượng, chủng loại và đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ còn chậm. Đa số sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo mới. Một số làng nghề chuyên sản xuất theo mẫu đặt hàng của khách. Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
Ông Vũ Hữu Nhung ở làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, nhiều đơn hàng xuất khẩu gốm của Phù Lãng phải thông qua sự quảng bá của gốm Bát Tràng, gây thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất cũng như cơ hội quảng bá sản phẩm gốm Phù Lãng trên thị trường. Hiện nay, nhiều người trẻ ở Phù Lãng đã quyết tâm theo học ở các trường mỹ thuật và trở về địa phương để tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã, hình thức. Nhờ đó, nhiều mặt hàng gốm ở Phù Lãng đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do không có sự định hướng, can thiệp cũng như dự báo thị trường từ các ngành chức năng nên chỉ một thời gian ngắn, các sản phẩm gốm mỹ nghệ mới ra đời cũng đang rơi vào bế tắc. Đến nay, người làm gốm ở Phù Lãng phải lăn lộn tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm và chật vật giữ nghề khi thế hệ trẻ đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông.
Vì vậy, chủ trương hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho vừa bảo đảm tính nguyên tác, nhưng sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo, vừa đẩy mạnh được việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề đã trở thành đòi hỏi cấp bách đối với hầu hết các làng nghề truyền thống.
Làng nghề trúc Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), là một trong những làng nghề đi đầu trong đầu tư, cải tiến mẫu mã sản phẩm hợp với thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, các sản phẩm như tranh tre, bàn, ghế, xích đu, giường, tủ, kệ sách, khung nhà tre… được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, thôn có 840 hộ thì khoảng 30% số gia đình tham gia làm nghề, trong đó có 45 xưởng sản xuất với thu nhập khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/người/ngày. Công ty cổ phần Giải Pháp Xuân Lai còn chủ động quảng bá thương hiệu sản phẩm qua các kênh khác nhau. Ngoài việc tìm hiểu thị trường, công ty cũng luôn thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Làng nghề dệt lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) sau hàng chục năm thăng trầm, giờ đây đang bắt đầu hồi sinh. Hiện Mã Châu đã xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài, đó là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, hoàn thành sản phẩm, xây dựng hệ thống bán lẻ và kết nối du lịch. Năm 2014, HTX Tơ lụa Mã Châu sản xuất hơn 14 nghìn sản phẩm lụa các loại, với doanh thu gần bốn tỷ đồng. Nhờ duy trì được sản xuất, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động, với thu nhập bình quân bốn triệu đồng/người/tháng. Gần đây, để gắn sản xuất với phát triển du lịch làng nghề, ngoài việc nâng cấp lại điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trấn Nam Phước, HTX đã đầu tư xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại khu phố cổ Hội An vào hoạt động phục vụ du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, làng dệt Mã Châu có khoảng 400 hộ dân gắn bó với nghề dệt nhưng chỉ có HTX Tơ lụa Mã Châu còn giữ được dệt lụa tơ tằm nguyên thủy.
Chú trọng công tác đào tạo nghề.
Theo ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề; các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính bền vững. Chính điều này đã làm hạn chế sự phát triển của làng nghề Việt Nam. Nguyên nhân chính là do đặc thù của nghề truyền thống là nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, người thợ phải được học làm sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp với thời gian từ vài năm trở lên mới có thể độc lập gia công sản phẩm có giá trị hàng hóa. Trong khi đó, các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống với thời gian 3 - 4 tháng mới chỉ dạy cho học viên làm được những sản phẩm đơn giản hoặc chỉ gia công một công đoạn nào đó của sản phẩm. Học viên mới tốt nghiệp các lớp thủ công mỹ nghệ ngắn ngày nếu không được các doanh nghiệp làng nghề hoặc các thợ lành nghề hướng dẫn sản xuất thì không thể tự mình hành nghề được. Thêm vào đó, dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống chủ yếu áp dụng phương pháp truyền nghề, chính vì vậy, rất cần những nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công, mỹ nghệ tham gia dạy nghề. Ngoài ra, hiện nay, nhiều địa phương mới chú trọng dạy nghề nông nghiệp, công nghiệp mà chưa chú trọng đúng mức việc dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống hoặc lúng túng trong công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất… Thực tế, sản phẩm ngành nghề truyền thống muốn hấp dẫn khách hàng thì phải có giá trị văn hóa nghệ thuật. Điều đó không thể thiếu vai trò của nghệ nhân, nghệ sĩ. Vì thế, muốn có bước đột phá về mẫu mã hàng truyền thống hiện đại phải có một chính sách đặc biệt với các nghệ nhân, nghệ sĩ thực thụ.
Quảng bá qua Internet
Có rất nhiều kênh quảng bá sản phẩm khác nhau, đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hoá, nhiều địa phương đã đặc biệt quan tâm phương thức quảng bá qua Iternet và mang lại hiệu quả rất khả quan. Từ đầu năm 2015, tỉnh Bình Định đã xây dựng website làng nghề để hỗ trợ quảng bá và kinh doanh trực tuyến cho các làng nghề trong tỉnh. Trên website, 2 nhóm sản phẩm làng nghề được quảng bá đầu tiên là ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Với nhóm ẩm thực có các sản phẩm: bánh ít lá gai, bún, nem chả, rượu, các loại mắm, thủy hải sản khô. Nhóm thủ công mỹ nghệ có: nón lá, đồ gốm, dệt thổ cẩm, mây - tre - cói - xơ dừa, nhang, rèn - tiện. Ở mỗi nhóm sản phẩm đều có lời giới thiệu về địa chỉ, những nét đặc trưng từ tên gọi, nguyên liệu sử dụng cho đến các công đoạn làm ra sản phẩm. Những người quan tâm làng nghề có thể tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, tìm kiếm nghệ nhân và sản phẩm “hot”. Đặc biệt, website làng nghề Bình Định sẽ liên kết với các website riêng của từng hộ gia đình trong làng nghề để tiến hành giao dịch và bán sản phẩm trực tiếp. Tại đây cũng có trang tiếng Anh để quảng bá làng nghề Bình Định ra toàn cầu. Đây được coi là giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị đối với các sản phẩm và phát triển hoạt động du lịch văn hóa làng nghề.
Không riêng tỉnh Bình Định, trên cổng thông tin của huyện Gia Lâm (Hà Nội) có hẳn một chuyên mục giới thiệu về làng gốm Bát Tràng, rồi các trang web chuyên giới thiệu sản phẩm của làng Gốm như Website: http://gomsubattrang.org/, http://www.battrangceramic.net... Hay với làng lụa Vạn Phúc cũng có website riêng để quảng bá cho sản phẩm lụa. Có thể nói, nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet để quảng bá các sản phẩm làng nghề hiện giờ khá phổ biến. Chỉ cần nhờ Google, gõ một số từ khóa về làng nghề như “Gốm Bát Tràng”, “Lụa Vạn Phúc”… là chúng ta đã có thể tiếp cận với rất nhiều website giới thiệu các thông tin về làng nghề. Công ty Cổ phần gốm Nhung (Phù Lãng- Quế Võ – Bắc Ninh) khẳng định, hơn một phần ba doanh thu của họ có được là nhờ web. Nhiều khách hàng nước ngoài đã ghé thăm trang web của công ty, xem mẫu gốm rồi đặt hàng. Rõ ràng, vượt qua không gian địa lý, các website quảng bá, giới thiệu sản phẩm đang thực sự là một “cánh tay nối dài” giúp các làng nghề có thêm nhiều kênh tiếp cận với khách hàng trong nước và quốc tế. Điều này cũng góp phần cho các làng nghề xây dựng và giữ vững thương hiệu, vị thế của mình.
Ngọc Loan