Thực hiện các định hướng lớn mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ba-rô-sô đã thống nhất tại cuộc gặp ngày 13 tháng 10 năm 2014, Việt Nam và EU đã và đang tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định EVFTA. Trước phiên 12 này, hai bên đã tổ chức được ba phiên đàm phán giữa kỳ và phiên chính thức thứ 11. Đoàn Việt Nam tham dự Phiên 12 do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế dẫn đầu cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan đã tham dự phiên 12. Đàm phán được tiến hành ở cấp Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, pháp lý - thể chế, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, v.v...
Trong bối cảnh đàm phán đã đi vào giai đoạn cuối, đây là phiên đàm phán quan trọng để hai bên tiếp tục thảo luận định hướng xử lý các nội dung còn tồn tại, tạo cơ sở xây dựng gói cam kết cuối cùng nhằm hướng tới kết thúc đàm phán. Ở cấp kỹ thuật, trên cơ sở lời văn tổng hợp từ những phiên trước, các nhóm tiếp tục trao đổi sâu và chi tiết quan điểm cũng như giải pháp đối với các vấn đề chưa thống nhất. Tất cả các nhóm đều đã thu hẹp được đáng kể khoảng cách trong nhiều nội dung còn lại. Các nhóm đàm phán về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và mua sắm của Chính phủ cũng tiếp tục thảo luận chi tiết bản chào mở cửa thị trường, nhất là những lĩnh vực hai bên đặc biệt quan tâm.
Ở cấp Trưởng đoàn, ta và EU đã dành nhiều thời gian thảo luận chi tiết định hướng xử lý những vấn đề then chốt nhất nhằm xây dựng gói cam kết cuối cùng của Hiệp định, đặc biệt là cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ và các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Hai bên đều nỗ lực hướng tới một gói cam kết phù hợp với kỳ vọng và năng lực của mỗi bên, đồng thời đảm bảo một thỏa thuận tham vọng và cân bằng trong tất cả các lĩnh vực đàm phán, đem lại lợi ích cao nhất cho người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU.
Kết thúc phiên đàm phán, cả ta và EU đã đạt được các mục tiêu đề ra từ trước phiên. Hai bên đã thống nhất thêm được một số nội dung đàm phán, thảo luận và làm rõ chi tiết của gói cam kết cuối cùng trên cơ sở nguyên tắc lớn đã được hai Nhà Lãnh đạo thống nhất. Ta và EU cũng đã thảo luận về lộ trình kết thúc đàm phán. Theo lộ trình này, hai bên sẽ tiếp tục có các cuộc gặp trong thời gian tới để hoàn thiện gói cam kết, trình Lãnh đạo đưa ra quyết định cuối cùng.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ đô la, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ đô la và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ đô la. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm 2014, đã có 25 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2030 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 36,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Vụ Chính sách thương mại đa biên (Moit)