Với sự hỗ trợ về vốn và được tư vấn, hướng dẫn về việc mua sắm máy móc, thiết bị, trong năm 2018, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Quảng Trị đã có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Dẫn chúng tôi đi thăm về dây chuyền mới, anh Đinh Hoàng, đoàn viên ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông cho biết: Sau khi đi học nghề ở nhiều nơi, năm 2015 anh đã mở 1 xưởng mộc nhỏ tại gia đình mình. Trong 2 năm qua, anh đã nhận đóng các loại vật dụng như cửa, bàn ghế, tủ, phục vụ cho nhu cầu của người dân trong vùng, có thu nhập ổn định. Từ thành công ban đầu, đầu năm 2018 anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Được Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ vốn cũng như tư vấn, hướng dẫn thực hiện mô hình khởi nghiệp, với hơn 200 triệu đồng, anh đã mua máy móc, thiết bị 120 triệu, còn lại xây dựng nhà xưởng có diện tích lớn hơn và mời gọi thêm 4 đoàn viên trong Chi đoàn tham gia để sản xuất ra nhiều sản phẩm. Từ đó đến nay, xưởng của anh không chỉ nhận làm cho các hộ gia đình mà còn nhận được thêm nhiều đơn hàng của một số cơ quan, đơn vị, doanh thu ngày càng lớn, thu nhập cao hơn so với trước đây.

Còn anh Trần Minh Đức ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho hay: Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế ngành Giáo dục công dân, anh về dạy học tại một trường Cao đẳng ở tỉnh Quảng Nam rồi tiếp tục học Thạc sĩ ngành Kinh tế chính trị và vào làm giảng viên một trường Cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng với lòng đam mê nghiên cứu và khởi nghiệp, năm 2014, anh trờ về quê hương, vay vốn, mua sắm máy móc, thiết bị, tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm tinh bột nghệ. Ngoài thu mua của người dân trong vùng, để có nguồn nguyên liệu ổn định, anh đã đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho 10 hộ gia đình trên địa bàn trồng 4 ha nghệ. Với cách làm này, mỗi năm đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng nhưng anh vẫn chưa thỏa mãn, cuối nắm 2017, anh thành lập Công ty TNHH Thanh Lọc. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê địa điểm, Sở Công Thương hỗ trợ nguồn vốn khuyến công 60 triệu đồng, Công ty đã đầu tư thêm 170 triệu, mua sắm thêm dây chuyền thiết bị sản xuất ra những sản phẩm mới như tinh dầu nghệ, nghệ viên mật ong và mỹ phẩm từ nghệ. Với việc đầu tư chế biến sâu, Công ty TNHH Thanh Lọc đã làm gia tăng giá trị của bột nghệ, tăng doanh thu và tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 10 đến 15 đoàn viên, thanh niên trong xã cũng như hàng trăm lao động gián tiếp trồng nghệ.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế. Trên cơ sở đó đã tư vấn, hướng dẫn lập đề án và hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho nhiều dự án sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

 Ông Nguyễn Trương Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Trong năm 2018, từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh 1.488 triệu, Trung tâm đã hỗ trợ cho 25 đề án, mức hỗ trợ 40 đến 60 triệu, riêng nguồn vốn khuyến công quốc gia 950 triệu đồng đã hỗ trợ cho 3 đề án với 5 doanh nghiệp thụ hưởng, mức hỗ trợ bình quân 1 doanh nghiệp 180 đến 200 triệu đồng. Tuy nguồn vốn không lớn nhưng nhờ chọn lựa đúng đối tượng, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, đóng gói sản phẩm nên nhìn chung, các đề án này đã phát huy được một số hiệu quả như: giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của địa phương ứng dụng máy móc thiết bị để cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, doanh thu tăng và thu hút thêm nhiều lao động. Nhiều cơ sở hợp lý hóa quá trình sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản, có điều kiện phát triển sản phẩm mới, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa một số sản phẩm của địa phương.

Trong năm 2019, để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn khuyến công, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn để hỗ trợ một phần kinh phí nhằm khuyến khích kịp thời doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các đề án, lĩnh vực có thể tạo nhiều việc làm cho người lao động và có lợi thế về nguyên liệu, tạo ra những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương.

 

CTV