Nằm trong Chương trình khuyến công của năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Trị đã chọn Tổ hợp tác Kinh doanh và Chế biến thủy hải sản Tân Việt ở thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh để hỗ trợ nguồn vốn khuyến công hơn 40 triệu đồng, vốn đầu tư của Tổ hợp tác là 160.000 triệu đồng, nguồn vốn khuyến công với mục đích đầu tư thêm về đăng ký bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm thủy sản. Để khuyến khích tổ hợp tác vững tin hơn trong đầu tư và phát triển trên lĩnh vực thủy sản, đây là 1 trong 26 đề án khuyến công của tỉnh được giao hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện trong năm 2017. Từ các thiết bị sản xuất được đầu tư thêm nhờ nguồn vốn khuyến công, tổ hợp tác đã có thêm điều kiện thuận lợi để phát tiển sản xuất.
Mô hình đóng tàu Composite của Cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lưu ở xã Vĩnh Thái cũng chính là mô hình mới mà nguồn vốn khuyến công năm 2017 hướng tới, cơ sở đã đầu tư nguồn vốn hơn 400 triệu đồng để xây dựng cơ sở, mua sắm trang thiết bị, cơ sở đã tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng/tháng, và đây cũng được đánh giá là mô hình có hiệu quả sau gần một năm đi vào hoạt động. Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở đã có điều kiện để đầu tư thêm để phục vụ sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình và tạo thêm việc làm cho phụ nữ địa phương. ông Nguyễn Văn Lưu, chủ cơ sở cho biết: “ Cơ sở mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư vốn để đóng tàu Composite hiện tại đang cung cấp cho thị trường, đề án khuyến công đã tạo thêm điều kiện cho cơ sở hoạt động hiệu quả hơn”.
Mô hình chế biến dầu lạc tại Cơ sở kinh doanh Trần Trọng Tuyến ở xã Vĩnh Nam cũng mới được thành lập, nguồn vốn khuyến công 35 triệu đồng hỗ trợ năm 2017 cũng chính là nguồn kinh phí có ý nghĩa để cơ sở đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất. Với lợi thế của địa bàn huyện Vĩnh Linh hàng năm có sản lượng lạc khá lớn nên gia đình anh Tuyến đã mạnh dạn đầu tư số vốn 120 triệu đồng để chế biến dầu lạc. Hiện tại cơ sở của anh Tuyến có 04 lao động thường xuyên, thu nhập 6 triệu đồng người/tháng. Mô hình chế biến tinh dầu lạc được xem là mô hình mới trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và có khả năng mang lại hiệu quả. Bởi cho đến nay, trên địa bàn huyện chưa có đơn vị nào chế biến dầu lạc, đặc biệt đối với huyện là vùng có diện tích trồng lạc ở vùng đất đỏ khá lớn với hơn 1000 tấn lạc hàng hóa thu được mỗi năm nhưng không có đơn vị chế biến lạc là một điều bất lợi cho nông dân, nhất là trong bối cảnh giá lạc khá bấp bênh như hiện nay. Ông Trần Trọng Tuyến cho biết: “Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, Phòng Kinh tế và hạ tầng cũng như Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ kinh phí 35 triệu đồng để thực hiện mô hình mới trên địa bàn, tuy nhiên hiện nay đầu ra của sản phẩm đang gặp khó khăn, mong muốn của cơ sở là các cấp tạo điều kiện để tìm đầu ra, mở rộng thị trường cho sản phẩm”.
Với phương châm hướng đến các đơn vị sản xuất tại các địa phương còn gặp khó khăn về nguồn vốn song mô hình sản xuất có tính khả thi, mang lại hiệu quả. Nguồn vốn khuyến công năm 2017 cũng đã phân bổ theo tiêu chí đồng đều giữa các địa phương và có đầy đủ hồ sơ xác nhận theo tiêu chí quy định. Bên cạnh nguồn vốn khuyến công của tỉnh, năm 2017 từ nguồn vốn khuyến công quốc gia cũng đã đầu tư thêm máy móc cho một số đơn vị như Công ty TNHH Cao dược liệu Định sơn - Mai Thị Thủy với nguồn vốn 200 triệu trong tổng số vốn đầu tư của Công ty là 685.300 đồng, Công ty hiện có 15 lao động với thu nhập từ 3,5- 4,0 triệu động /tháng. Chị Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn, Mai Thị Thủy huyện Cam Lộ chia sẻ: “ Công ty đang triển khai thực hiện các nội dung theo dự án sản phẩm mà Trung tâm khuyến công đã hỗ trợ, nhất là đầu tư hệ thống máy chưng cất và chế biến cao dược liệu đảm bảo về chất lượng nâng cao hiệu quả kinh tế ”.
Năm 2017, thông qua hoạt động khuyến công, với nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho 26 dự án trên các lĩnh vực. Các đề án được đối tượng thụ hưởng ghi nhận đã hỗ trợ bước đầu và là nền tảng giúp doanh nghiệp, cơ sở hướng đến những giá trị bền vững, đồng thời góp phần tạo nên thương hiệu của địa phương. Đặc biệt, trong tổng số 26 đề án khuyến công địa phương Quảng Trị đã triển khai trong năm 2017, có tới 20 đề án thuộc nội dung chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Ông Nguyễn Trương Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại cho biết: “ Trung tâm tiếp tục triển khai các nội dung trong công tác khuyến công, chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cũng như kêt nối giữa nhà sản xuất với thị trường; tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới được thành lập có nhiều khả thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động”.
Theo đánh giá chung, công tác khuyến công của Quảng Trị đã có nhiều hoạt động hiệu quả, tháo gỡ một phần khó khăn cho cơ sở CNNT trong việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Cung cấp thông tin giúp điều chỉnh kịp thời và thực hiện đúng các quy định pháp luật trong sản xuất, nhất là trong sản xuất thực phẩm; Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiếp cận với các thị trường mới, tạo thêm việc làm ổn định cho lao động, thu hút tốt nguồn vốn đối ứng… Để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, đến năm 2020 tỉnh dự kiến dành khoảng 25,7 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công. Riêng chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hỗ trợ khoảng hơn 14 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ sẽ tập trung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đối với các cơ sở CNNT sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ nhận chuyển giao công nghệ, đổi mới, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại và hỗ trợ các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả hoàn thiện quy trình sản xuất xây dựng mô hình và tuyên truyền nhân rộng.
Như vậy, với nguồn lực hỗ trợ lớn, định hướng ưu tiên hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được nhận định sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sức phát triển mới cho công nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Trương Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại cũng đã chia sẻ thêm: “ Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phổ biến thành văn bản các chính sách hỗ trợ để các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh nắm bắt và tiếp cận được nguồn vốn khuyến công một cách hiệu quả nhất”.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị tăng cường hoạt động khuyến công, chú trọng công tác XTTM, tiếp tục tư vấn, hướng dẫn để hỗ trợ một phần kinh phí nhằm khuyến khích kịp thời cơ sở, doanh nghiệp CNNT đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời đôn đốc, giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các đề án được phê duyệt để các cơ sở, doanh nghiệp hoàn thành, giải ngân đúng nội dung và tiến độ đề ra, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển./.
Hiền Minh