Hoạt động hỗ trợ
Quy hoạch dệt may theo vùng, lãnh thổ được phân bố ở 7 khu vực với những định hướng chính:


Khu vực 1 - Vùng Đồng bằng sông Hồng có thành phố Hà Nội là trung tâm về thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may, tiếp tục phát triển một số doanh nghiệp may các sản phẩm cao cấp, sản phẩm mẫu có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao; phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có cơ sở hạ tầng như: Phố Nối - tỉnh Hưng Yên, Hòa Xá, Bảo Minh - tỉnh Nam Định; Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh - tỉnh Thái Bình; Tràng Duệ - thành phố Hải Phòng; Châu Sơn - tỉnh Hà Nam...
Khu vực 2 - Vùng Trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, tỉnh Thái Nguyên.
Khu vực 3 - vùng Bắc Trung Bộ phát triển mạnh đầu tư sợi, dệt, nhuộm tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Khu vực 4 - Vùng Duyên hải Nam Trung bộ định hướng đầu tư công nghiệp dệt may phân bố theo trục quốc lộ Bắc - Nam với một số khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên.
Khu vực 5 - Vùng Đông Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may. Phát triển, đầu tư mở rộng các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có cơ sở hạ tầng.
Khu vực 6 - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long định hướng sản xuất sợi, dệt, nhuộm tại khu công nghiệp Xuyên Á - tỉnh Long An.
Khu vực 7 - Vùng Tây Nguyên định hướng đẩy mạnh chuyên môn hóa các cây nguyên liệu dệt như: bông, dâu, tằm... gắn liền với chế biến, tạo ra các sản phẩm cho thị trường xuất khẩu và nội địa.


Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa


Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ Công Thương đã đề ra các chính sách và giải pháp như: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa. Tiếp tục xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới, những thị trường ngách như Hàn Quốc, khối BRIC, khối ASEAN, khối châu Phi, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,... ; tổ chức và mở rộng mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Bên cạnh đó, xây dựng các bản đồ quy hoạch dệt may, danh mục các dự án khuyến khích đầu tư một cách chi tiết hơn; khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung đảm bảo các điều kiện hạ tầng về điện, cấp nước, xử lý nước thải, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và nguồn lao động có khả năng được đào tạo; Khuyến khích đầu tư sản xuất vải, sản phẩm dệt kỹ thuật, y tế và phụ liệu phục vụ ngành may; ưu tiên đầu tư cho dự án sản xuất bông có tưới; nghiên cứu khả năng sản xuất các sản phẩm hóa dầu phục vụ cho dệt may; …


Quy hoạch cũng đề ra các chính sách và giải pháp về đầu tư; quản lý ngành; các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ; cung ứng nguyên phụ liệu; bảo vệ môi trường và các giải pháp về tài chính.
 

Hương Nguyễn