Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 là một trong những nội dung hoạt động của Chương trình khuyến công quốc gia của năm, nhằm tiếp tục lựa chọn các sản phẩm xuất sắc, tiêu biểu nổi trội trong các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020 để bình chọn, tôn vinh ở cấp quốc gia. Kết quả bình chọn làm cơ sở để tiếp tục hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT. Qua đó thu hút, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế của vùng và quốc gia. 

Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ tư, Hội đồng bình chọn cấp quốc gia đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm. Đây là số lượng sản phẩm được công nhận cao nhất đạt được qua 04 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.

Công tác triển khai thực hiện

Công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28/8/2014 của Bộ Công Thương về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28/6/2018 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo đó, Hội đồng và Ban Giám khảo bình chọn cấp quốc gia được thành lập có sự tham gia của các thành viên là đại diện từ các các cơ quan Bộ, ban ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội các Hiệp hội ngành nghề như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các thành viên khác là các nhà khoa học, các chuyên gia, người có chuyên môn, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến các sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn.

Kỳ bình chọn cấp quốc gia năm 2021 có số lượng sản phẩm (310 sản phẩm) tham gia nhiều nhất từ trước đến nay của 58/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ: 52 sản phẩm; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm: 194 sản phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí: 33 sản phẩm; nhóm sản phẩm khác: 31 sản phẩm. Các sản phẩm đăng ký tham gia đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đặc biệt trong nhóm chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản. Bên cạnh một số lượng nhỏ sản phẩm tiêu biểu đã dự thi ở những kỳ trước, đa số là các sản phẩm mới. 

Cùng với chấm điểm hồ sơ sản phẩm, Cục Công Thương địa phương (Cơ quan thường trực Hội đồng bình chọn) đã tổ chức đoàn công tác với thành phần đoàn là thành viên của Hội đồng bình chọn và Ban giám khảo đi kiểm tra, đánh giá thực tế sản xuất tại một số cơ sở CNNT trên địa bàn một số địa phương có sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp quốc gia 2021, gồm: Hà Nội, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hải Dương, Thái Nguyên, Nam Định. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế sản xuất, các cơ sở CNNT mặc dù đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đã rất nỗ lực tìm các phương án phù hợp, quyết tâm duy trì sản xuất, giữ ổn định hệ thống phân phối sản phẩm, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động,… Các cơ sở CNNT đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trong sản xuất sản phẩm, cụ thể: Giấy phép sản xuất (đối với một số ngành nghề có điều kiện), công bố hợp chuẩn, hợp quy; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phầm; các thông tin thực tế về số lượng sản xuất, doanh thu, số lượng lao động thường xuyên, thu nhập bình quân người lao động, việc sử dụng nguyên liệu trong sản xuất, các biện pháp bảo vệ môi trường,...

Công tác thông tin tuyên truyền đã được thực hiện ngay sau khi Bộ Công Thương phê duyệt và ban hành Kế hoạch số 2461/KH-BCT ngày 05/5/2021 về tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Các thông tin về chương trình bình chọn được đăng tải liên tục trên trang thông tin điện tử của Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương và các trang thông tin điện tử, các báo in, tạp chí trong và ngoài ngành Công Thương. 

Năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục đấy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác tổng hợp, thống kê, phân loại và chấm điểm bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hệ thống phần mềm chấm điểm điện tử là một điểm sáng, phù hợp trong công tác binh chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của những kỳ bình chọn gần đây. Các thành viên Ban Giám khảo có mật khẩu riêng, chấm độc lập, chỉ trao đổi, thảo luận về những trường hợp đặc biệt sau khi đã chấm, do vậy đảm bảo tính minh bạch và nghiêm túc trong công tác chấm điểm.

Mở hướng cơ hội phát triển tăng giá trị cho sản phẩm CNNT tiêu biểu

Có thể nói, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nói chung, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu (các cấp) nói riêng đã và đang là hoạt động thiết thực, có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Các cơ sở CNNT có sản phẩn được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu được hưởng các quyền lợi như: Được thưởng bằng tiền mặt, in hoặc dán nhãn Logo của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm công nhận; được cung cấp thông tin tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xúc tiến thương mại và các hoạt động khuyến công khác. Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nêu trên, giá trị sản phẩm CNNT tiêu biểu nói chung và sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia nói riêng ngày một tăng và có vị thế trên thị trường. Qua đó, khẳng định công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia là hoạt động quan trọng, rất có giá trị đối với việc thúc đẩy phát triển CNNT. Bên cạnh công tác bình chọn sản phẩm, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch cụ thể về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia theo từng giai đoạn. Theo đó, Kế hoạch nhằm mục tiêu triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu nói chung mở rộng sản xuất và xúc tiến thương mại. Các hoạt động có thể kể đến như: Hỗ trợ, tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất; kết nối sản phẩm CNNT tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến đầu tư phát triển và xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu…

Trong bối cảnh người tiêu dùng yêu cầu ngày một cao hơn với sản phẩm, Hội đồng bình chọn (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cần đầu tư thêm để tập trung cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm; sử dụng các nguyên liệu của địa phương, nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường để sản xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đội ngũ người lao động có tay nghề cao, thạo việc, có nhiều sáng tạo để đưa các yếu tố mới, độc đáo vào sản phẩm… Về mặt phát triển thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cơ sở CNNT thay vì phân phối sản phẩm theo phương thức kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp, cơ sở CNNT cần ứng dụng, khai thác các nền tảng thương mại điện tử để chuyển dần, thích ứng với hình thức bán hàng trực tuyến, quảng bá giới thiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu qua các trang thương mại điện tử.


TTCN-ARIT