Theo nhiều chuyên gia, các làng nghề đang bộc lộ nhiều hạn chế như hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng… Đặc biệt, sức mua thị trường trong và ngoài nước giảm mạnh làm hàng hóa, nguyên liệu tồn kho cao trong khi khả năng nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế. Vì vậy, các DN, cơ sở sản xuất làng nghề luôn mất thế chủ động và chịu nhiều thua thiệt trên thương trường. Tình trạng hàng hóa bị “tắc” đầu ra khiến cho doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, du lịch làng nghề vắng khách và nhiều lao động mất việc làm.
Tại Hội nghị gặp gỡ khách hàng các sản phẩm làng nghề do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức ngày 4/6/2013 tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, ông Lê Văn Lợi- Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp – VCCI cho biết, để hỗ trợ các làng nghề tiêu thụ sản phẩm, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT).
Cụ thể, VCCI đang phối hợp với Hiệp hội Làng nghề xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý các làng nghề Việt Nam cho gần 500 làng nghề. Trên cơ sở đó, các DN làng nghề tiếp thị sản phẩm bằng cách tham gia sàn TMĐT, lập gian hàng, tự xây dựng website riêng… sau đó tạo kênh bán hàng mới bằng phương thức nhận đơn đặt hàng qua mạng. Theo đó, các sản phẩm làng nghề sẽ được đưa lên sàn TMĐT, có hình ảnh, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... Hiện chương trình hỗ trợ này đang đáp ứng nhu cầu rất lớn của các DN thuộc Hiệp hội Làng nghề. Nếu thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, các DN có thể giới thiệu và bán sản phẩm đến các khách hàng khắp nơi trên thế giới một cách dễ dàng với chi phí thấp.
Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp (DN) làng nghề tham gia phải cam kết chất lượng sản phẩm. Đây là bước quan trọng thiết lập mạng lưới phân phối và tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cho các làng nghề.Cũng theo ông Lợi, khó khăn của VCCI và các DN làng nghề khi ứng dụng TMĐT là khả năng nắm bắt thông tin các DN làng nghề còn hạn chế, đa số còn e ngại vì chưa hình dung chương trình hỗ trợ cũng như TMĐT thế nào? Không những thế, việc đào tạo các DN để họ đủ khả năng thích ứng với công nghệ, ứng dụng chuyên nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, các DN, cơ sở sản xuất tại làng nghề vẫn kinh doanh theo “thói quen, tùy tiện”, thông tin về sản phẩm đưa ra không đầy đủ nên khó gây ấn tượng với bạn hàng... Để thúc đẩy các DN làng nghề ứng dụng TMĐT trong xuất khẩu và bán hàng một cách hiệu quả, VCCI phải tìm đến từng DN làng nghề để giới thiệu về chương trình hỗ trợ ứng dụng TMĐT trong bán hàng và xuất khẩu. Thời gian tới, VCCI sẽ hỗ trợ cung cấp giải pháp TMĐT để đào tạo cho các DN làng nghề từ thấp đến cao. Ông Lợi cho biết, hiện VCCI vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bởi các DN này vốn là của nông dân, tự phát, nhỏ lẻ, phân tán và lạc hậu về công nghệ. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, đào tạo cho các làng nghề. Liên kết với các làng nghề, công ty, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh để quảng bá, cung cấp sản phẩm làng nghề.
Nhằm ứng dụng có hiệu quả kênh TMĐT trong hoạt động xuất khẩu, bán hàng, các DN làng nghề cần coi kênh xuất khẩu trực tuyến là một phần trong chiến lược kinh doanh. Từ đó lựa chọn phương thức tiếp cận TMĐT phù hợp để tối ưu hóa chi phí nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, đầu tư đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên trách vận hành có hiệu quả ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh của DN. Tiến tới ứng dụng TMĐT xuất khẩu các sản phẩm làng nghề sang thị trường trọng điểm: Nhật Bản, EU và Mỹ.
Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, Nhà nước cần có chính sách trợ giúp cho doanh nghiệp, cơ sở làng nghề. Bản thân các làng nghề cũng cần chủ động đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Khánh Chi