Nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong vài năm trở lại đây, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với một nỗ lực kỳ diệu của những người dân nơi đây làng nghề chiếu cói Phú Tân đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ…

 

Sản phẩm mới

Sản phẩm chiếu gấp của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân chỉ mới xuất hiện trên thị trường từ gần một năm nay nhưng dòng sản phẩm này đã được khá nhiều người biết đến và yêu thích. Anh Nguyễn Văn Tây, người đưa dòng sản phẩm này về Phú Tân cho biết: “Đầu năm 2011, trong khi đi khảo sát và tìm mua máy dệt chiếu ở Long An, tôi thấy sản phẩm chiếu gấp làm từ cây uzu, nhưng nguyên liệu này không có ở Việt Nam. Tôi đã mày mò làm chiếu gấp từ cây cói của địa phương. Đến giữa năm 2012, sau nhiều lần thử nghiệm, tôi đã sản xuất thành công chiếu gấp từ nguyên liệu cói”.

Chiếu gấp cũng được dệt bằng máy, khổ lớn như các loại chiếu thông thường khác; sau đó được cắt ra thành từng miếng tùy theo kích thước của chiếu rồi được may bìa và ghép viền may lại thành chiếu gấp. Chiếu gấp có nhiều kích cỡ khác nhau, từ 0,8-1,6m; xếp thành 3 mảnh rất nhỏ gọn. Quy trình dệt chiếu gấp công phu và mất nhiều thời gian hơn chiếu thông thường. Nếu mỗi ngày một lao động lành nghề dệt được 14 chiếc chiếu thường thì chỉ có thể dệt 10 chiếc chiếu gấp. Giá của chiếu gấp cao hơn chiếu thường từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc nhưng chỉ bằng 1/3 giá chiếu gấp nhập khẩu. Chiếu gấp có ưu điểm như độ bền cao, màu sắc, đường nét tinh xảo hơn nữa lại có thể gấp nhỏ, tiện lợi cho vệ sinh, di chuyển. Do vậy, mẫu chiếu này ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hướng đến đa dạng sản phẩm

Hiện xưởng dệt chiếu cói của anh Tây có 6 máy dệt chiếu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi tháng, xưởng sản xuất trên 2.000 chiếc chiếu các loại; tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh. Các loại chiếu gấp không chỉ được sử dụng để trải giường mà còn rất linh hoạt, thuận tiện cho việc sử dụng nhờ sự nhỏ gọn, dễ di chuyển. Một chiếc chiếu gấp cỡ 0,8-1m khi gấp làm 3 chỉ còn khoảng 26 - 27cm. Từ khi có sản phẩm chiếu gấp, việc tiêu thụ chiếu ngày càng ổn định hơn nhờ đa dạng sản phẩm cho người mua lựa chọn.

Hiện sản phẩm chiếu gấp của Phú Tân mặc dù khá đẹp nhưng vẫn chưa sắc sảo như chiếu gấp của các nơi khác. Anh Nguyễn Văn Tây chia sẻ: “Khi đi nghiên cứu thị trường chiếu ở các địa phương, tôi thấy ở một số thành phố du lịch, sản phẩm chiếu gấp được rất nhiều người sử dụng. Do vậy, tôi đang ấp ủ dự định sản xuất chiếu gấp phục vụ du lịch. Tuy nhiên, hiện sản phẩm chiếu gấp của cơ sở vẫn còn khá thô sơ, chưa hoàn thiện do thiếu máy móc thiết bị chuyên dùng”.

Theo anh Tây, để làm ra được những sản phẩm đẹp, mịn và tinh xảo hơn thì phải đầu tư thêm máy ép chiếu, máy may 2 kim (dành cho chiếu gấp). Ngoài ra, Cơ sở còn có kế hoạch đầu tư thêm máy thêu để làm chiếu hoa trắng và nệm ngồi bằng chiếu thêu chữ và họa tiết nổi trên bề mặt. Hiện các dòng sản phẩm này rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, do chưa có vốn mua thiết bị nên việc phát triển các dòng sản phẩm mới còn rất khó khăn. “Thị trường tiêu thụ các dòng sản phẩm chiếu truyền thống ngày càng thu hẹp, khó cạnh tranh. Do vậy, nếu phát triển được dòng sản phẩm mới, nhất là phục vụ cho du lịch thì mới có khả năng mở rộng thị trường. Chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để mua sắm thiết bị, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, góp phần củng cố và phát triển làng nghề dệt chiếu truyền thống”, anh Tây bày tỏ.

Hiện nay, ở Phú Tân có 249 hộ với trên 600 lao động trực tiếp tham gia từ khâu trồng cói đến dệt chiếu với doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng, mỗi lao động có thu nhập trung bình từ 60 - 80 nghìn đồng/ngày. Làng nghề chiếu cói Phú Tân đã xây dựng một tổ hợp dệt chiếu với hàng chục máy dệt, máy may bìa và nhiều thiết bị sản xuất chuyên nghiệp.

 

NGÔ XUÂN