Những năm trước đây, công việc sản xuất gạch hoàn toàn bằng công nghệ thủ công. ở Tỉnh Bình Thuận có tới trên 60 lò gạch thủ công, tập trung ở huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân…nhưng đến năm 2010, tất cả các lò gạch thủ công được thay thế bằng sản xuất theo hướng Công nghiệp.


Mới đây chúng tôi có dịp đến Xã Sông Phan, Huyện Hàm Tân, Tỉnh Bình Thuận là xã có tiềm năng đất sản xuất gạch rất lớn, chất đất phù hợp với việc sản xuất gạch. Những năm trước, Sông Phan có 19 cơ sở sản xuất gạch thủ công, 5 Công ty sản xuất gạch Tuynel. Nhược điểm của các lò gạch thủ công là có công suất thấp, chỉ đạt 3,5 triệu viên/năm, chất lượng gạch không cao và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Đây là những nguyên nhân để các lò gạch thủ công buộc phải chuyển đổi công nghệ sản xuất. nhờ có định hướng đúng đắn, tăng cường phát triển công nghiệp hóa, đến năm 2010 các cơ sở sản xuất gạch thủ công đã được xóa bỏ hoàn toàn và chuyển sang sản xuất bằng lò gạch Tuynel.


Tuy vậy, do vốn đầu tư cho lò gạch Tuynel quá lớn, giá thành sản xuất cho một viên gạch cũng cao nên người dân sản xuất gạch không đủ khả năng đầu tư để chuyển đổi công nghệ sản xuất. Sau nhiều lần thử nghiệm, công nghệ sản xuất gạch bằng lò Hoffman đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. từ đó, tất cả các lò gạch thủ công đều chuyển sang sản xuất bằng lò Hoffman. Ưu điểm cùa lò Hoffman là sản xuất gạch có công suất lớn từ 35 đến 60 triệu viên/năm, chất lượng gạch đảm bảo các yếu tố cho nhu cầu xây dựng về kích thước viên gách to gấp 1,5 lần viên gạch thủ công, giá thành cũng hạ được người dân chấp nhận.


Anh Nguyễn Hồng Dương Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang cho biết: “Sản xuất gạch bằng lò Hoffman có nhiều ưu điểm được thị trường chấp thuận. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang gặp nhiều thuận lợi, ký hợp đồng được nhiều đơn vị đặt hàng và đang sản xuất với công suất tối đa 60 triệu viên/năm. Thị trường tiêu thụ của Công ty rộng. ngoài tiêu thụ nội địa, còn tiêu thụ đến các tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh Miền trung…Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ. Hàng năm, Công ty chúng tôi giải quyết cho 130 lao động có việc làm và có thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng…”.


Ông Trần Văn Loan – Phó Chủ tịch UBND xã Sông Phan phấn khởi nói: “Từ khi các Công ty sản xuất gạch bằng lò Hoffman, sản phẩm sản xuất ra được thị trường tiêu thụ nhanh, ngoài ra còn thu hút một lực lượng lao động ở địa phương có việc làm và có thu nhập khá, từ đó đời sống của nhiều hộ nông dân từ chỗ nghèo khó đến nay đã thoát nghèo. Hàng năm, các Công ty sản xuất gạch bằng lò Hoffman đã giải quyết từ 130 đến 150 lao động nông nhàn tại địa phương trong và ngoài huyện, góp phần giảm nghèo ở nông thôn. Ngoài ra còn tạo diện mạo cho nền kinh tế địa phương phát triển theo hướng cơ cấu ngành Công nghiệp tăng lên, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp…”.
Trong ảnh: Sản xuất gạch ở xã Sông Phan

 

Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể
Phòng NN – PTNT – HTB – BT