Trong tiến trình hội nhập kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có sự biến động tăng cao thì vấn đề áp dụng quy trình sản xuất sạch, tiết kiệm các nguồn tài nguyên năng lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Vì vậy, dù mới được triển khai ở Bình Thuận từ năm 2010, nhưng chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã thu hút được được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tham gia.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.756 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp. Sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của hệ thống các doanh nghiệp, đã tạo cho nền kinh tế tỉnh ta có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế công nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư công nghệ không đồng bộ, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên, vật liệu đầu vào phuc vụ sản xuất. Do vậy, áp dụng SXSH trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một đòi hỏi khách quan.


Bà Văn Thị Thanh Chi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công Bình Thuận cho biết: Trong 2 năm thực hiện chương trình, Trung tâm đã tổ chức được 1 lớp hội thảo và 2 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, doanh nghiệp đã nhận thức được hiệu quả chương trình như Công ty TNHH Hải Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Thuận (Thaimex), Công ty TNHH Thủy sản Hai Wang, Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết, Công ty TNHH TM DV Dung Đại Hưởng (Hàm Thuận Bắc). Tuy nhiên, chiến lược SXSH vẫn là một khái niệm khá mới mẻ, đến nay chỉ có 68 doanh nghiệp đăng ký thực hiện, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ. Để đạt được mục tiêu thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, thời gian tới Trung tâm Khuyến công tập trung tuyên truyền, tư vấn để các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến nhận thức sâu sắc việc áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn vừa là trách nhiệm, vừa là bảo đảm được lợi ích cho doanh nghiệp. Bởi tiết kiệm các chi phí tiêu hao năng lượng, nguyên liệu vật tư đầu vào, từ đó sẽ hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời hạn chế giảm thiểu các chất thải trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2015 phấn đấu, có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở áp dụng SXSH; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng chương trình sẽ tiết kiệm được từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm.



Nguồn: TT Khuyến công tỉnh Bình Thuận