Theo như bản dự thảo của Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) đưa ra, bản Quy chế có 3 chương với 19 điều. Trong đó, Chương I quy định rõ mục đích, đối tượng, phạm vi áp dụng; nguyên tắc bình chọn; yêu cầu đối với sản phẩm tham gia bình chọn và phân nhóm các sản phẩm tham gia bình chọn. Chương II quy định về phương thức bình chọn; cơ cấu, thành phần của Hội đồng bình chọn; trình tự đăng ký bình chọn;… và Chương III là tổ chức thực hiện bình chọn.
Theo đó, mục đích của quy chế nhằm tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, từ đó tìm ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại; góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Đối tượng bình chọn là các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư sản xuất tại huyện, thị xã, thị trấn và xã… Nguyên tắc bình chọn được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch và được tổ chức bình chọn theo 5 cấp: xã, huyện, tỉnh, khu vực và quốc gia. Theo đó, một sản phẩm có thể được tham gia nhiều kỳ bình chọn,…
Phát biểu tại hội thảo, đa số các đại biểu đều tán thành và làm rõ sự cần thiết phải ban hành quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tuy nhiên, về nội dung của bản dự thảo, nhiều đại biểu vẫn có những ý kiến sửa đổi, nhằm hoàn thiện.
Cụ thể, theo đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam, tại Điều 4, chương I chia ra 6 nhóm sản phẩm tham gia bình chọn bao gồm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông lâm thủy hải sản và đồ uống; nhóm sản phẩm về thiết bị, dụng cụ và phụ tùng kim loại; nhóm sản phẩm từ hóa chất, dược liệu, mỹ phẩm; nhóm sản phẩm dệt may, da giày; nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng… là chưa phù hợp, vì theo tiêu chí bình chọn các sản phẩm tham gia bình chọn sẽ gửi ảnh mẫu để bình chọn, mà các sản phẩm đồ uống thì không thể đánh giá chất lượng thông qua hình ảnh. Ngoài ra, tiêu chí đánh giá sản phẩm ở phụ lục số 5, theo Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cần thay đổi, thay vì đưa ra 5 tiêu chí chấm điểm bao gồm: tiêu chí về công dụng và giá trị sử dụng; tiêu chí về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật – xã hội; tiêu chí về bao gói sản phẩm; tiêu chí về văn hóa thẩm mỹ; và một số tiêu chí khác…thì nên chỉ đưa ra 3 tiêu chí tính kỹ thuật; mỹ thuật và sản xuất…
Còn tại Điều 2 về nguyên tắc bình chọn sản phẩm, theo Cục CNĐP sẽ được bình chọn dựa trên 5 cấp: xã, huyện, tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia theo trình tự thống nhất từ cấp thấp đến cấp cao. Nhưng theo góp ý của đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Chỉ nên lấy cấp xã là quan trọng nhất sau đó đến cấp tỉnh và khu vực, nên bỏ qua cấp huyện. Ngoài ra, Hiệp hội Làng nghề cũng cho rằng, quá trình bình chọn nên có sự phối hợp của các vai trò, tổ chức xã hội, như vậy sẽ tăng được hiệu ứng xã hội.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam thì cho rằng: Tại Điều 1, nên làm rõ 3 vấn đề: Tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước; khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp địa phương; làm cơ sở để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, khuyến khích sản xuất tiêu dùng hàng Việt Nam. Ngoài ra, nên ghép Điều 11 là tiêu chí bình chọn sản phẩm vào Điều 2 nguyên tắc bình chọn sản phẩm…
Đại diện Cục CNĐP, Phó Cục trưởng Ngô Quang Trung cho biết, sẽ tập hợp tất cả các ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện Quy chế trong thời gian sớm nhất để có thể tiến hành các hoạt động bình chọn vào năm 2012./.
Nguyễn Hòa, Ven.vn