Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông từ 25% xuống 23% và mở rộng diện đối tượng được hưởng các mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi từ 10-20%.


Đây là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện sau phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Khoá XIII) trong phiên họp thứ 16 (18-24/3)

Ngày 27/3, Bộ Tài chính cho biết, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 25% là phù hợp với thực tế thời gian qua và là mức trung bình so với các nước trong khu vực (bằng với Trung Quốc).

Nhưng các nước trong khu vực đang có xu thế cải cách thuế theo hướng giảm dần đối với mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh môi trường đầu tư trong thu hút đầu tư. Ví dụ, từ năm 2005 đến 2009, Malaysia đã 3 lần điều chỉnh giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông, mỗi lần giảm 1%, từ 28% (năm 2005) xuống 25% (năm 2009). Thái Lan qua các lần điều chỉnh cũng đã giảm từ mức 30% (năm 2005) xuống còn 23% (năm 2012).

Do đó, đợt điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp lần này là phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới và cũng là một bước thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020, đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư.

Chính phủ và Bộ Tài chính thấy rằng việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, tạo tăng trưởng thu ngân sách bền vững trong trung và dài hạn.
Dự thảo đã bổ sung thêm lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Theo đó, tổ chức tài chính vi mô; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án trồng cây dược liệu; hoạt động sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản… sẽ được áp thuế suất 20%.

Mức thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo sẽ được dành cho các doanh nghiệp lập mới từ dự án đầu tư sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Mức thuế 10% được áp dụng cho các khoản thu nhập của doanh nghiệp đến từ việc thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản…

Giảm thu trước mắt, hiệu quả lâu dài

Theo tính toán, chỉ riêng việc điều chỉnh giảm thuế suất và ưu đãi mở rộng như nêu trên dự kiến làm giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng trên 16.000 tỷ đồng, trong đó giảm 12.064 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 23% và giảm thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng do tiếp tục giảm thuế suất từ 23% xuống 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, giảm 2.081 tỷ đồng do bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sẽ làm giảm thu ngân sách ngân sách Nhà nước trong một vài năm đầu nhưng có tác động tăng thu cho những năm sau do thu hút đầu tư tăng lên, đồng thời phần tiền thuế được giảm sẽ được tái đầu tư và tiêu dùng. Do đó Nhà nước có thể thu được thông qua các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân qua việc người lao động được tăng phúc lợi từ tiền thuế được giảm.

Nhờ việc giảm nghĩa vụ thuế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần đưa kinh tế phát triển, đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Với tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, mặc dù việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có thể tác động và áp lực lên cân đối ngân sách như đã nêu trên nhưng Chính phủ và Bộ Tài chính thấy rằng việc sửa đổi là cần thiết để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, tạo tăng trưởng thu ngân sách bền vững trong trung và dài hạn.

 

Nguồn: chinhphu.vn