Khuyến công địa phương
Thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là làng nghề cổ truyền với lịch sử gần 400 năm, cụ tổ nghề của làng là cụ Nguyễn Thảo Lâm.


Theo lời của nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ: Lệ làng xưa, nghề đan cỏ tế không được truyền ra khỏi làng, thậm chí con gái đi lấy chồng cũng phải trả lại nghề cho cha. Do nghề chỉ được truyền trong làng nên phạm vi sản xuất rất nhỏ lẻ, sản phẩm cũng rất đơn giản. Người dân trong làng chủ yếu sơ chế cây cỏ tế (guột) thành nguyên liệu thô cung cấp cho các làng xung quanh đan nong nia, rổ rá, làm nón…


Đến năm 1994, để tìm hướng phát triển mới cho làng nghề, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm của làng, ông Nguyễn Quốc Sinh, chủ doanh nghiệp Phú Thượng đã xin phép các cụ truyền nghề ra ngoài phạm vi làng. Từ đó làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm của làng không chỉ được biết đến ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.


Toàn thôn Lưu Thượng có 400 hộ gia đình với 1.407 lao động thì 70% số lao động trong làng tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu là 1.500.000 đồng/tháng. Hàng năm, người dân thôn Lưu Thượng sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm đủ loại như: rương tủ, bàn ghế, lẵng, giỏ, khay, con giống… Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng cây guột được kết hợp với các nguyên liệu khác như: guột pha cỏ lăn, guột pha dây rừng, rơm rạ, song, mây, bẹ ngô…, để tạo ra các sản phẩm vô cùng tinh xảo.


Hiện nay thôn Lưu Thượng là trung tâm của xã nghề Phú Túc với 7 công ty và doanh nghiệp, 20 tổ hợp sản xuất chiếm 99% số DN và cơ sở sản xuất của toàn xã.


Anh Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn cho biết, công ty chủ yếu thu mua sản phẩm thô trong dân để sản xuất lại thành hàng thủ công mỹ nghệ, song doanh thu của công ty từ năm 2004 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Năm 2009, tổng doanh thu của công ty là trên 10 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là trên 1 tỷ, do công ty đã tích cực phát triển thị trường, một mặt tìm kiếm thị trường mới, mặt khác đảm bảo số lượng và chất lượng tốt nhất cung cấp cho các thị trường truyền thống. Năm 2009, công ty sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm các loại trong đó: rương, tủ, bàn ghế…chiếm 20%, khay đĩa… chiếm 40%, con giống và đồ trang trí nội thất…chiếm 20%. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.


Anh Nguyễn Văn Luyến, Phó chủ tịch xã Phú Túc cho biết, trong những năm gần đây làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) Lưu Thượng đã có những bước phát triển mạnh mẽ song cái khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là thiếu mặt bằng, không có khu sản xuất tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải mua sản phẩm thô từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ về sản xuất lại nên giá thành sản phẩm tương đối cao. Đặc biệt là về vấn đề môi trường, hiện nay nước thải từ các cơ sở sơ chế nguyên liệu đều theo hệ thống thoát nước quanh thôn chảy thẳng ra sông Nhuệ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.


Ủng hộ sự phát triển của làng nghề và tạo điều kiện giải quyết những khó khăn về mặt bằng, môi trường, đào tạo lao động, quảng bá sản phẩm…, Sở Công Thương Hà Nội và Phòng Công nghiệp huyện Phú Xuyên đã có những chính sách cụ hỗ trợ cụ thể như: Kết hợp với các doanh nghiệp và nghệ nhân tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 30-40 người mỗi năm, hướng dẫn xây dựng, lắp đặt thiết bị nhà xưởng, đưa các sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ hàng TCMN, đưa các đoàn về thăm quan và phát triển du lịch, cùng với UBND xã Phú Túc xây dựng đề án quy hoạch khu sản xuất công nghiệp tập trung (CNTT) rộng 17ha tại thôn Lưu Thượng.
Với những lợi thế đó, tin rằng làng nghề cổ truyền Lưu Thượng sẽ phát huy mọi tiềm năng cả về nhân lực và vật lực, vượt qua khó khăn, khẳng định thương hiệu của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế./.
 

Việt Nga-Báo Ven