Sau 1 năm thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan.


Một năm và những con số

Chia sẻ về những hiệu quả của công tác tái cơ cấu DN Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tái cơ cấu DN nhà nước nhằm làm cho Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Công Thương mạnh hơn, trở thành nòng cốt của nền kinh tế. Theo đó, Bộ Công Thương đã xác định nhiệm vụ chính là cơ cấu lại ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, sản phẩm chính; cơ cấu lại vốn chủ sở hữu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh; cơ chế quản lý, quản trị, nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo để chấm dứt tình trạng Tập đoàn, Tổng công ty đầu tư dàn trải và thoái vốn đã đầu tư ngoài nhiệm vụ, lĩnh vực, ngành kinh doanh chính; thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoạt động lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối.


Theo thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), hiện 100% Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ đã hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Sau khi rà soát lại các nhiệm vụ kinh doanh, hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái vốn tại các ngành nghề không thuộc diện ngành nghề kinh doanh chính như bất động sản, ngân hàng, tài chính, chứng khoán để tập trung kinh doanh những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ ngành nghề chính.



Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là Tập đoàn kinh tế đầu tiên của Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2015. Theo Đề án này, EVN không có đơn vị thuộc diện cổ phần hóa, chỉ có các đơn vị thuộc diện thoái vốn và giảm vốn góp đến năm 2015. Tính đến nay, EVN đã hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu từ EVN sang Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng. Đối với các đối tác khác như Ngân hàng An Bình, các DN thuộc lĩnh vực bất động sản… việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn, cần thời gian và EVN cam kết sẽ thực hiện đúng kế hoạch và lộ trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Đối với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sau khi có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Vinacomin đã chuyển đổi 6 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh của Tập đoàn, đồng thời chỉ đạo việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị khác. Bên cạnh đó, Vinacomin cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi Tổng công ty CP Bảo hiểm SHB – Vinacomin, Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV, Công ty CP Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Công ty CP Bảo hiểm Hàng không theo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước và có thặng dư.



Riêng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết: Sau khi thực hiện đề án tái cấu trúc, hiện PVN còn nắm giữ 1 Tổng công ty 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác dầu khí, 24 DN cấp 2, 126 DN cấp 3 và không có DN cấp 4. PVN cũng vừa hoàn thành sáp nhập Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí với Ngân hàng Phương Tây để thành lập Ngân hàng cổ phần Đại chúng (PVcom Bank), bán cổ phần cho đối tác Nga trong Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và dự kiến cổ phần hóa hầu hết các tổng công ty trực thuộc.


Là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hóa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị với tổng số tiền 204,1 tỷ đồng. Hiện nay, Vinatex đang chỉ đạo thoái vốn tiếp tại một số lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, tài chính để lành mạnh hóa và minh bạch tài sản khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.


Tại Tổng công ty Giấy Việt Nam, để thực hiện Đề án tái cơ cấu, Tổng công ty đã chỉ đạo triển khai cổ phần hóa tại 4 đơn vị như Công ty Vận tải và Chế biến Lâm sản, Công ty Thiết kế Lâm nghiệp, Công ty Giấy Tissue Sông Đuống và Công ty Chế biến và XNK dăm mảnh. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã sắp xếp 4 công ty lâm nghiệp thành 2 công ty; Chuyển đổi Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo theo mô hình DN khoa học và công nghệ. Ngoài ra, Tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn tại Công ty CP May Diêm – Sài Gòn trong quý 1 vừa qua và tiếp tục xem xét việc thoái vốn tại các đơn vị khác theo đúng tiến độ đề ra.


Ngoài ra, các Tập đoàn và Tổng công ty thuộc Bộ khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu cũng đã tập trung vào công tác sắp xếp, đổi mới, giảm vốn, thoái vốn ở các DN ngoài ngành.



Tái cơ cấu – mục tiêu sống còn



Để nâng hiệu quả kinh doanh, phát triển nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN là yếu tố sống còn. Điều này đã được các Tập đoàn, Tổng công ty thẳng thắn thừa nhận. Và đại đa số các tổ chức quốc tế cũng khẳng định vấn đề này. Cụ thể, tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2013, nhiều ý kiến khẳng định, cải cách và tái cơ cấu DNNN vẫn là mối quan tâm chính của nhà tài trợ, nhà đầu tư. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, hiện khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế, nhìn chung hiệu quả hoạt động của khối DN này còn hạn chế. “Điều này kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn đến việc giảm đầu tư từ khu vực tư nhân” - ông Preben Hjortlund nhấn mạnh.


Đồng thuận quan điểm trên, đại diện Hiệp hội DN Singapore cũng bày tỏ, DNNN là một trong những nền tảng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít DNNN hoạt động thiếu hiệu quả, thua lỗ. Khi DNNN trở thành gánh nặng cho nền kinh tế thì cải cách DNNN là đòi hỏi thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế đi đúng hướng.


Do đó, về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, các Tập đoàn, Tổng công ty cần tiếp tục rà soát ngành nghề kinh doanh và kiên quyết thực hiện đúng nội dung được phê duyệt trong đề án tái cơ cấu, triển khai đúng tiến độ đề ra. Cần chú trọng việc thoái vốn ngoài ngành, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa. Với những doanh nghiệp triển khai chậm so với kế hoạch, phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, cũng cần rà soát chấn chỉnh những khâu yếu kém và tổ chức lại những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thậm chí là cho giải thể. Năm 2014, các doanh nghiệp theo kế hoạch đã phải cổ phần hóa năm 2011, 2012, 2013 mà đến năm tới không thực hiện thì sẽ bị xử lý.


“Theo đúng lộ trình Chính phủ phê duyệt, từ nay đến 2015, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty kiên quyết đẩy mạnh thoái vốn, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty Nhà nước”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.


 

Nguồn: VEN