Theo báo cáo, hiện nay cả nước có 5.096 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận, thu hút một số lượng lớn lao động; thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2-3 lần; làng nghề góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; có nhiều làng nghề trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ…; có 38/63 tỉnh đã phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề.


Một vài nét về thực trạng phát triển làng nghề

Cũng theo báo cáo, cả nước có khoảng 2.886 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thu hút khoảng 2.995.272 lao động, trong đó có 1.539 làng nghề CN-TTCN được công nhận.


Về công tác quản lý nhà nước về làng nghề, mỗi địa phương  giao cho các Sở, ngành khác nhau: 53/63 cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 14/63 cho Sở Công Thương; 2/63 chưa giao (Gia Lai và Bắc Kạn); 6/63 tỉnh đã giao cho cả 2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương (An Giang, Nghệ An, Ninh Bình, Long An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng). Các Sở Công Thương khi được giao làm đầu mối đều đã tập trung ưu tiên lập quy hoạch, đề án, chương trình bảo tồn và phát triển nghề, ưu tiên xây dựng các đề án, dự án về công tác về bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch và phát triển làng nghề mới gắn với thị trường trong và ngoài nước; đã ban hành các cơ chế, chính sách, các đề án về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), ngành nghề nông thôn gắn với các Chương trình của Bộ Công Thương triển khai tại địa phương như khuyến công, xúc tiến thương mại…


Bộ Công Thương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, các chương trình, các quan hệ song phương - đa phương hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế... góp phần thúc đẩy các cơ sở - doanh nghiệp, các làng nghề - địa phương và người dân... tăng năng lực nội tại, tăng năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế...


Tích cực hỗ trợ  cơ sở sản xuất trong làng nghề


Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, đề án cụ thể  nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển làng nghề, như: Chương trình Xúc tiến thương mại trong nước, gồm: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động  "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014; Hỗ trợ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn nông thôn nói chung và các sản phẩm làng nghề nói riêng theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thương hiệu quốc gia, đưa hàng Việt về nông thôn, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, an toàn thực phẩm...; nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong và ngoài nước, song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh...;


Chương trình Khuyến công Quốc gia (Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong và ngoài làng nghề) với các nội dung:  Đào tạo, truyền nghề, nhân cấy nghề; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất sản phẩm mới...; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, hợp tác kinh tế; phát triển các cụm công nghiệp (trong đó có xử lý ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp) và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp.


Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Nhà nước chính thức phong tặng được 1 nghệ nhân nhân dân, 36 nghệ nhân ưu tú, trong đó năm 2010 cho 21 nghệ nhân, gồm có 1 nghệ nhân nhân dân và 20 nghệ nhân ưu tú; năm 2013 cho 16 nghệ nhân ưu tú. Đẩy mạnh chương trình khuyến công về nhân, cấy, truyền nghề; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất sản phẩm mới; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, công nghiệp hỗ trợ, liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, thành lập hiệp hội - hội ngành hàng; phát triển các cụm công nghiệp, trong đó có xử lý ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp; sản xuất sạch hơn...


Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề làng nghề hiện đang tồn tại một số khó khăn, hạn chế như sau: Cơ chế, chính sách ban hành đã lâu, có một số nội dung không còn phù hợp, nhưng lại chậm được thay đổi cho phù hợp tình hình mới, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, kém sức cạnh tranh, gặp nhiều khó khăn về nguồn lực nhất là tiếp cận vay vốn, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao tay nghề; nội tại yếu, năng lực cạnh tranh rất thấp... Thị trường chậm được mở rộng, làng nghề đang bán những sản phẩm hàng hóa đang có, mở rộng thị trường còn quá kém, chưa gắn kết được các công đoạn trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên nhiên liệu đến sản xuất và tiêu thụ; các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức, chưa thu hút được truyền dạy nghề cho lao động nông thôn, chưa được quan tâm để sáng tạo ra mẫu mã mới; mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề, giữa các làng nghề còn nhiều tồn tại, hạn chế, kéo dài tình trạng sản phẩm chậm được cải tiến, sức cạnh tranh kém và thu nhập thấp... Khoa học công nghệ chậm được ứng dụng vào làng nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, nhất là trong bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường; tình trạng ô nhiễm tại làng nghề chưa được xử lý, nhiều làng nghề bị ô nhiễm nặng, phát sinh nhiều dịch bệnh..., việc quy hoạch làng nghề chậm, nhiều cơ sở sản xuất làng nghề ô nhiễm nặng mà chưa được di dời…


Để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm môi trường mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững, giai đoạn tới cần sớm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển làng nghề, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ đó mới có thể huy động được sức mạnh tổng lực...; gắn kết chặt chẽ các chương trình, huy động tối đa các nguồn lực kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tối đa tổng lực xây dựng nông thôn mới, phát triển các địa phương...; đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp ở làng nghề, tăng cường liên kết, hợp tác, tăng năng lực cạnh tranh...; đẩy mạnh chương trình bảo tồn, duy trì phát triển làng nghề, coi đây là “bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc”, cần gắn kết chặt chẽ với phát triển các tuyến, điểm du lịch, xây dựng thương hiệu và tạo dựng uy tín thu hút khách du lịch trong và ngoài nước...; xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa các Bộ, ngành, các tổ chưc chính trị - xã hội và Hiệp hội làng nghề Việt Nam với sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đề ngay ra các biện pháp, giải pháp phát triển làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề truyền thống nói riêng...


ARID