Với mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 dự kiến sẽ dành nguồn kinh phí khoảng trên 1200 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến công.
Từ nguồn kinh phí này, đến năm 2015, hỗ trợ đào tạo khoảng 40.000 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ khoảng 4.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng 40 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng thiết bị, máy móc công nghiệp cho 250 cơ sở… Đồng thời, nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp cho các tổ chức dịch vụ công. Xây dựng quy trình, quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về khuyến công…
Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu hỗ trợ đào tạo khoảng 100.000 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng 160 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất cho 600 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 1.400 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung cho 120 cụm công nghiệp…
Có thể khẳng định, trong những năm qua, công nghiệp nông thôn góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, đóng góp không nhỏ vào ngân sách của các địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương trong cả nước, đóng góp của lĩnh vực công nghiệp nông thôn đối với kinh tế địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dẫn tới sự lãng phí lớn về tài nguyên, ngân sách; đồng thời bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư và cơ hội phát triển cho công nghiệp nông thôn.
Mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp, Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công với 09 nội dung hoạt động khuyến công nhằm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông nghiệp và nông thôn đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 đã mở ra một động lực mới, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp nông thôn. Đồng thời, điều này càng có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở nông thôn.
Bên cạnh đó, để triển khai, hoàn thành mục tiêu này, vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, hiệp hội, làng nghề,… rất quan trọng trong thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
KC.