Trong 3 năm (từ 2011 - 2013) tổng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước do tỉnh Thái Bình quản lý đã phân bổ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới là 3.171,118 tỷ đồng.

 

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ đó của Nhà nước, 3 năm qua tỉnh Thái Bình đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng đóng góp tự nguyện từ người dân trong tỉnh cho xây dựng nông thôn mới, trong đó 506 tỷ đồng là nguồn kinh phí huy động bằng tiền và ngày công lao động của người dân phục vụ đào đắp giao thông thuỷ lợi, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và ước trên 1.000 tỷ đồng do người dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 2.012,5 ha đất để dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và xây dựng công trình phúc lợi.


Đây là đóng góp lớn về nguồn lực của người dân, đã vượt xa mức quy định trong cơ cấu vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) đó là quy định nguồn vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 10% tổng nguồn vốn của Chương trình. Trong quá trình vận động xây dựng nông thôn mới với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các cấp chính quyền trong tỉnh đã luôn đặt lên hàng đầu việc thực hiện công khai, minh bạch, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, không bắt buộc người dân phải đóng góp tiền, của và không huy động quá sức dân.

Từ sự đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tỉnh Thái Bình đã khơi dậy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, trở thành phong trào sâu, rộng trong tỉnh. Kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đã làm cho mọi mặt về nông thôn của tỉnh khởi sắc. Hiện nay thu nhập bình quân của người dân nông thôn tỉnh Thái Bình đạt 22,8 triệu đồng/người/năm tăng 1,66 lần so với năm 2010. Toàn tỉnh có 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 64 xã đạt 14 - 18 tiêu chí, 148 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí, 6 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí và 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy còn nhiều khó khăn để đạt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các nguồn lực còn hạn chế, nhưng kết quả trên là rất đáng ghi nhận.


Trên cơ sở kết quả đã đạt được và kết quả quá trình vận động nguồn lực trong 3 năm qua, tỉnh Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2015 có 70 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; các xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên. Đến năm 2020, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; 6 huyện trở lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.


Mai Linh