Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 241 làng nghề đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, tăng 8 làng so với năm 2011, trong đó có 189/285 xã, phường có làng nghề.


Sức cạnh tranh còn yếu

Nhìn chung nghề và làng nghề trên địa bàn vẫn được duy trì và phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được nâng lên đáng kể, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm,...

 

Các nghề truyền thống vẫn được duy trì phát triển như: nghề thêu, dệt khăn, dệt chiếu cói, chế biến lương thực, thực phẩm; một số nghề mới du nhập đang có chiều hướng phát triển tốt như: đan hạt cườm, sản xuất lưỡi câu, làm lông mi giả xuất khẩu, móc sợi, chế tác đá mỹ nghệ, chiếu nilon, ...

 

Giá trị sản xuất khu vực làng nghề tăng qua các năm; năm 2012 giá trị sản xuất khu vực làng nghề đạt 2.993 tỷ đồng, chiếm 23,68% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 154.360 lao động khu vực nông thôn. 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất của làng nghề ước đạt 1.400,8 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 23,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 150 ngàn lao động.Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn là 1.050.000 đồng/tháng.

 

Cùng với sự phát triển của các làng nghề, nhiều gia đình trong tỉnh đã thoát nghèo vươn lên làm ăn khấm khá. Nhiều người lao động rất phấn khởi vì những kết quả cụ thể từ các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đem lại.

 

Tuy nhiên, hầu hết quy mô làng nghề còn nhỏ, sản xuất phân tán, chưa xây dựng được những làng nghề có quy mô lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, thậm chí một số nghề đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Nghề và các làng nghề của tỉnh mới chỉ phát triển theo chiều rộng mà chưa có sự phát triển vững chắc. Quy mô làng nghề nhỏ, sản xuất phân tán, chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đa dạng trong khi phải chịu sức cạnh tranh lớn. Khó khăn về vốn cũng là nguyên nhân khiến cho các làng nghề gặp khó. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề ảnh hưởng xấu đến môi trường như: Dệt Phương La; chạm bạc Hồng Thái, Lê Lợi; chế biến bún bánh ở Vũ Hội. Nguyên nhân là do các nghề dệt nhuộm, chạm bạc, tái chế nhựa, luyện đúc, kim loại, làm gạch thủ công... thường phải dùng các loại hóa chất để tẩy rửa, nhưng các chất thải lại không được xử lý trước khi thải ra môi trường. Quy mô làng nghề nhỏ, sản xuất tự phát, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn vì chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, mẫu mã đơn giản. Hầu hết các sản phẩm làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Làng nghề phải trở thành hạt nhân của nông thôn mới

 

Phát triển nghề và làng nghề được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thái Bình trong tiến trình thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu CN- TTCN của tỉnh đến 2015 phấn đấu đạt tổng GTSX CN - TTCN là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó CN - TTCN làng nghề phấn đấu đạt 5.150 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14%.

Từ năm 2001, Thái Bình đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có quỹ khuyến công và mạng lưới khuyến công viên. Quỹ khuyến công đã thông qua doanh nghiệp đào tạo tại chỗ và bố trí việc làm cho người lao động tại chính những doanh nghiệp đó. Nhờ vậy doanh nghiệp chủ động trong việc dạy nghề và bố trí lao động. Tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên cho tuyến giao thông những nơi có làng nghề truyền thống, làng nghề phát triển mạnh như: đường làng nghề xã Thái Phương, huyện Hưng Hà; đường làng nghề thêu Minh Lãng, huyện Vũ Thư; đường làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái….

 

Tăng nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho công tác đào tạo, truyền nghề cho người lao động tại các làng nghề. Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp mời nghệ nhân, thợ kỹ thuật ở tỉnh khác về dạy nghề tại làng nghề.Mục tiêu của Thái Bình là phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công-nông nghiệp, tất cả các xã trở thành nông thôn mới. Vì vậy nghề và làng nghề vẫn phải tồn tại và phát triển. Trước mắt đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phải đạt 15.000 tỷ đồng, trong đó nghề và làng nghề đóng góp từ 20 đến 25%. Ðể hoàn thành mục tiêu trên, Thái Bình đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho nghề và làng nghề bằng nhiều giải pháp tích cực, thiết thực. Đặc biệt, để gỡ khó về nguồn vốn, Sở Công Thương hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ 20.000 đồng/m 2 tiền san lấp mặt bằng trên diện tích đất thuê tại cụm công nghiệp... cho DN, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Giải quyết những vướng mắc về cơ chế, tạo tối đa điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề được vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh…

 

Định hướng của Thái Bình chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của làng nghề. Tiếp tục hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách để duy trì làng nghề, xây dựng những doanh nghiệp đứng chân ngay trong những làng xã có nghề truyền thống. Đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành "bà đỡ" để phát triển nghề thông qua việc hướng nghiệp cho người lao động. Đối với những làng chưa có nghề truyền thống, tỉnh đã xây dựng một số gia đình có khả năng trở thành chủ tổ hợp làm "vệ tinh" cho doanh nghiệp và dần xây dựng phát triển chính những tổ hợp này trở thành doanh nghiệp. Ban hành một số chính sách khuyến khích đầu ra cho sản phẩm, một số chính sách về thuế, vốn vay cho hộ sản xuất… bảo đảm cho lao động làng nghề có thu nhập, đạt mức bình quân từ 1,5 triệu đồng/người/ tháng trở lên. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo các huyện, thành phố và xã, phường tìm các nghề phù hợp, ổn định cho dân, hoặc liên kết với công ty, XN nhà máy đưa các mặt hàng gia công xuống hộ gia đình. Gắn với công tác khuyến nông, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học - công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề.

 

Ngọc Chính