Với việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) chuyển đổi công nghệ cao, ứng dụng máy móc tiến bộ của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên không những khẳng định vai trò của công tác khuyến công đối với cơ sở CNNT mà còn góp phần khai thác, thúc đẩy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên.


Động lực cho CNNT phát triển


9 tháng năm 2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 47.864 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, công nghiệp địa phương đạt 16.015 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013. Con số này đã nói lên sự nỗ lực của doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương tăng 22% so với cùng kỳ là có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động khuyến công. Trong những năm qua, bên cạnh việc đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới cho một số địa phương trong tỉnh thì hoạt động khuyến công cũng đã đẩy mạnh việc đào tạo tại chỗ, đào tạo lại,.. cho lao động của các doanh nghiệp CNNT. Tính đến nay, hoạt động khuyến công đã đào tạo cho trên 5 nghìn lao động nông thôn. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, chế biến và bảo quản chè, gia công cơ khí, sản xuất bao bì, chế biến thức ăn chăn nuôi, mây tre đan, sản xuất chế biến đồ gỗ, mộc mỹ nghệ… Cùng với đó là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật khoảng 80 đề án. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm cho 61 làng nghề tại một số địa phương như Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ… được nhân dân tích cực ủng hộ. Hoạt động khuyến công đã thực sự đi vào cuộc sống, được triển khai đồng bộ, sâu rộng, tác động tích cực đến sự phát triển của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT trên địa bàn.


Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn


Hoạt động khuyến công ở Thái Nguyên đã và đang làm đúng vai trò là bà đỡ cho CNNT phát triển. Thời gian qua, khuyến công đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định sản xuất cho các cơ sở CNNT khi bối cảnh kinh tế có nhiều biến động. Nhiều cơ sở CNNT chưa đủ mạnh, đủ khỏe để đối mặt với những biến động lớn của nền kinh tế. Việc đảm bảo nguồn lao động có tay nghề cũng như sự hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc tiến bộ là động lực rất lớn cho cơ sở CNNT vững vàng hơn trong cơn bão kinh tế.


Năm 2013, Khuyến công Thái Nguyên triển khai 24 đề án khuyến công địa phương, trong đó 03 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và 11 đề án hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại .... Riêng năm 2014 xây dựng 21 đề án chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến .... Điều đó cho thấy vai trò của khuyến công trong việc khuyến khích CNNT phát triển.


Phát huy tiềm năng, thế mạnh


Mặc dù là tỉnh có tiềm năng trong khai thác và chế biến khoáng sản, nhưng những năm gần đây Thái Nguyên mới thực sự khai thác, tận dụng lợi thế so sánh này. Từ tỉnh có cơ cấu nông nghiệp – công nghiệp và xây dựng, đến nay, Thái Nguyên đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng – dịch vụ - nông nghiệp. Như vậy có thể thấy sự thay đổi lớn của Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn chế biến xỉ titan bằng lò điện hồ quang tại Công ty TNHH và Phát triển thương mại miền núi; Hỗ trợ trình diễn kỹ thuật đúc chi tiết các sản phẩm từ gang bằng lò trung tần hiệu suất cao tại Công ty Cổ phần Đúc Thái Nguyên, công suất 2.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án trên 13 tỷ đồng; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền sản xuất thao cát nhựa sử dụng hệ thống gia nhiệt bằng điện của Công ty TNHH Đúc Nam Ninh. Hỗ trợ Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật xử lý chất thải công nghiệp, tái chế dầu phế liệu thành dầu đốt công nghiệp (HTX Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi); Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền đúc và gia công chi tiết máy chất lượng cao (Công ty Cổ phần thép Nam Phong); Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất thanh củi mùn cưa xuất khẩu (Công ty TNHH Biển Đông); Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch tuynel (Công ty TNHH Quang Trung) ..v.v..


Năm 2014, Thái Nguyên tập trung xây dựng các đề án hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp CNNT. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí của địa phương, khuyến công Thái Nguyên thực hiện 28 đề án, trong đó có đến 21 đề án là hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho các cơ sở CNNT nhằm tạo nền tảng vững chắc cho các cơ sở ổn định sản xuất, phát huy thế mạnh của địa phương nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp, làng nghề Thái Nguyên. Trong 21 đề án chuyển giao công nghệ có tới 10 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất chế biến lâm sản; 07 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến chè, 02 đề án hỗ trợ mua máy điêu khắc gỗ CNC cho sản xuất và gia công đồ mộc & đồ gỗ mỹ nghệ, 01 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất viên nén sinh khối, 01 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong dây chuyền may công nghiệp. Ngoài ra là các đề án khác nhằm nâng cao năng lực quản lý, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn và phát triển các thế mạnh của sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đưa các sản phẩm tiêu biểu này đến các thị trường trong nước và quốc tế.


Các nội dung, chương trình hoạt động khuyến công của Thái Nguyên đang ngày càng được đổi mới; tăng cường tuyên truyền và tiếp cận để đưa chính sách của Nhà nước về khuyến công đến được các đơn vị, cơ sở CNNT; động viên, khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều hơn các đơn vị, cơ sở CNNT tích cực tham gia các hoạt động khuyến công; góp phần thúc đẩy, phát triển công nghiệp địa phương.


Lê Hằng