Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Hiện nay, tham dự hội chợ là một phần của kế hoạch kinh doanh. Nếu tham gia ít hơn 4 hội chợ mỗi năm thì cũng giống như bạn không quảng cáo. Với điều hành doanh nghiệp, tham gia hội chợ là tối quan trọng.


Hiệu quả từ những hội chợ


Những năm qua, công tác hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham dự hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đã được các ban, ngành, địa phương rất quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đã quảng bá, mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa và ký được các hợp đồng kinh tế có giá trị cao.


Điển hình là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông đến nay đã tạo điều kiện cho khoảng 45 lượt doanh nghiệp tham gia 08 kỳ hội chợ tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Long An… Qua các kỳ tham gia hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Nông được đánh giá cao về chất lượng cũng như đa dạng về sản phẩm. Đã có nhiều lượt khách tới tham quan gian hàng, tìm hiểu các thông tin về sản phẩm trưng bày và đề cập mở các đại lý phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh. Đặc biệt thông qua việc tham gia các kỳ hội chợ, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đã ký kết được các hợp đồng và bán được nhiều sản phẩm như: Công ty TNHH cà phê Hương Nguyên, Cơ sở đá mỹ nghệ Đăng Tuấn, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nguyễn Toàn,...doanh thu các cơ sở công nghiệp nông thôn thu về ước tính đạt 1,3 tỷ đồng. Có thể nói, việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm bước đầu đã thu được những thành công nhất định, sản phẩm được quảng bá rộng rãi, mở rộng hệ thống tiêu thụ tại các tỉnh. Nhiều mặt hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Nông đã và đang dần được thị trường biết đến và đánh giá cao như: gỗ mỹ nghệ, sản phẩm tranh thêu nghệ thuật, đá phong thủy, các mặt hàng nông sản đã qua chế biến (cà phê, tiêu, điều...). Thêm vào đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ còn có cơ hội giao lưu, trao đổi và tìm hiểu thêm về phương thức kinh doanh có hiệu quả như: quảng cáo, khuyến mại, giao thương hàng hóa, liên kết hợp tác, các doanh nghiệp đã tiếp xúc nhiều với đối tác đến làm việc trực tiếp để hợp tác kinh doanh…


Không chỉ ở các hội chợ trong nước, việc tham gia hội chợ ở nước ngoài cũng vô cùng quan trọng. Tại Hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống Paris (SIAL Paris 2014) từ ngày 19 đến 23-10/2014, Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (West Food), cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi đến hội chợ để giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, trao đổi với khách hàng về các phương thức hợp tác trong thời gian tới. Trong các hội chợ trước, rất nhiều khách hàng đã hợp tác và làm ăn với công ty. Chúng tôi xuất khẩu hoa quả đóng hộp như: Xoài, dứa, thanh long và rất nhiều các loại rau, củ, quả khác. Hoa quả đóng hộp được xuất rất nhiều sang châu Mỹ, châu Âu để cung cấp vào các chuỗi siêu thị”. Công ty cổ phần Long Sơn, kinh doanh xuất khẩu hạt điều, ngay trong ngày đầu tham gia hội chợ đã ký được hợp đồng trị giá 500 triệu USD/năm để xuất khẩu hạt điều sang Thổ Nhĩ Kỳ


Nhiều hội chợ đã thật sự góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa. Rất nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng, nhận được đơn đặt hàng từ các hội chợ. Nhiều ý kiến khẳng định, hội chợ không chỉ giúp họ tìm được nhiều khách hàng hơn mà còn học hỏi được cách làm từ nhiều nơi khác trong việc thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói hàng nông sản, thực phẩm. Sau các chuyến hội chợ, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục giao dịch với các nhà phân phối, mua hàng, đi đến những hợp đồng cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.


Cần tầm nhìn xa hơn


Tham gia hội chợ khá tốn kém, khó mà định lượng được bao nhiêu phần trăm lợi nhuận là thu được từ các hội chợ, đó là sự thật. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một khách hàng mới và họ thích các sản phẩm của bạn, kết quả thu được sẽ không ngờ. Và nếu khách hàng đó tiếp tục giới thiệu bạn cho các bạn hàng khác thì thật lý tưởng. Thế nhưng hiện nay, việc tổ chức đoàn tham dự hội chợ trong nước và nước ngoài vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tuy đã có sự chuyển biến trong nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia vào các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình nhưng chưa chủ động tham gia, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này còn hạn chế. Do vậy, những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp tham gia hội chợ chưa nhiều, chủ yếu tập trung trong tỉnh, nước, chưa có cơ hội tiếp cận được thị trường các vùng, miền khác, nhất là thị trường nước ngoài. Đó là chưa kể, rất nhiều doanh nghiệp quá chú trọng đến doanh số bán hàng tại hội chợ mà coi nhẹ mục tiêu dài hơi hơn là tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng.


Nhằm nâng cao chất lượng công tác tổ chức đoàn tham dự hội chợ, hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động hiệu quả hơn, các trung tâm khuyến công cần tập trung tăng cường các hoạt động tuyên truyền, duy trì cung cấp thông tin về hội chợ triển lãm tại các địa phương trên cả nước nhằm cung cấp cho cơ sở công nghiệp nông thôn có nhu cầu đăng ký tham gia. Tạo sự đổi mới trong tư duy của cơ sở công nghiệp nông thôn bằng việc tăng cường tham gia các chương trình hội chợ lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu đúng về việc tham gia hội chợ, nhất là các hội chợ triển lãm mang tính trọng điểm, chuyên ngành. Qua đó định hướng, tư vấn, giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ phù hợp với sản phẩm, thị trường nhằm tìm kiếm thị trường đầu ra, quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối tiến tới hỗ trợ sản phẩm hàng hóa của tỉnh xâm nhập thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Các cơ sở công nghiệp nông thôn cũng cần năng động hơn trong việc cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư, tăng chi phí cho công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm đồng thời không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, hình thức sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh tăng cường khả năng cạnh tranh cho sản phẩm và cho doanh nghiệp.


Khánh Chi