Theo ông Hoàng Xuân Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công-Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa, tính đến hết tháng 9/2015, Thanh Hóa đã triển khai 90% kế hoạch kinh phí khuyến công đã được phê duyệt, bao gồm cả khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia.


Các đề án đã triển khai góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và xóa đói giảm nghèo.


Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều cơ sở CNNT nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất của các cơ sở này còn hạn chế nên rất quan tâm tới các nội dung hoạt động khuyến công nhưng việc đáp ứng được các tiêu chí lại rất hạn chế. Trong khi đó, các cơ sở lớn có tiềm lực kinh tế lại không mặn mà do nguồn vốn hỗ trợ quá nhỏ, không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số văn bản chính sách mới được ban hành đang khiến cho quá trình triển khai, thực hiện khá lúng túng.


Cụ thể, Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1288/2014/QĐ-TTg. Tuy nhiên, theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, thì đến năm 2020 không có chương trình khuyến công. “Chúng tôi rất băn khoăn, liệu Quyết định số 1288 còn được triển khai và các địa phương có được hưởng hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia nữa hay không”- ông Phong lo lắng.


Theo Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia, chỉ những cơ sở có đề án được đầu tư, xây dựng trong năm kế hoạch mới được thẩm định và thụ hưởng. Các cơ sở khác mặc dù đã đầu tư nhưng không nằm trong năm kế hoạch sẽ không được hưởng hỗ trợ. Cùng đó, quá trình thẩm định cấp cơ sở chỉ dựa trên hồ sơ dự án hoặc catalog do bên đơn vị thụ hưởng trình chứ chưa có máy móc thiết bị để thẩm định, đánh giá. Như vậy, việc thẩm định chỉ dựa trên lý thuyết, không sát với thực tế.


Trước hiện trạng trên, Khuyến công Thanh Hóa đề xuất: Ngoài đối tượng được hỗ trợ theo đề án đăng ký thì các cơ sở đã có máy móc thiết bị đầu tư trong năm kế hoạch cũng cần được thụ hưởng. Như vậy, “vừa mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, vừa hỗ trợ kịp thời cho cơ sở CNNT có nhu cầu”. Đồng thời, có cơ chế thẩm định phù hợp nhằm tránh tình trạng cảm tính như hiện nay.


Để đáp ứng nhu cầu thực tế Khuyến công Thanh Hóa cũng đã phối hợp với liên ngành, gồm: Sở Công Thương, Sở Tài Chính, UBND huyện nơi có đề án triển khai linh động hỗ trợ cho các cơ sở không nằm trong năm xây dựng kế hoạch vẫn được hưởng hỗ trợ. Khuyến công Thanh Hóa cũng đã thành lập đoàn liên ngành nghiệm thu đề án, góp phần giảm thiểu đáng kể sự phức tạp trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán.


Có thể nói, sự linh động trong quá trình triển khai đã giúp khuyến công Thanh Hóa đạt được hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo CNNT của Tỉnh. Được biết, Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2016 và trình Bộ Công Thương phê duyệt. Thanh Hóa cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương với 7 đề án, trong đó chú trọng hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ máy móc tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu ra cho các cơ sở bằng việc tham gia hội chợ trong và ngoài nước.


CTV