Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã và đang phải đương đầu với nhiều vấn đề do vướng mắc của nền kinh tế vĩ mô, cụ thể như: Sức mua hàng hóa giảm, tỷ lệ tồn kho cao, việc xuất khẩu gặp khó khăn.


Mặc dù có nhiều dự án về phát triển cơ khí được thực hiện nhưng doanh nghiệp cơ khí vẫn gặp nhiều trở ngại khi muốn vay vốn, cùng với đó là chính sách hỗ trợ thiếu hiệu quả và không triệt để.


Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thì ngành cơ khí trong nước có tỷ lệ cạnh tranh yếu hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, chỉ có một vài doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao để thay thế hàng hóa nhập khẩu và hiện tại các doanh nghiệp này cũng đang khó khăn để duy trì hoạt động. Lĩnh vực chế tạo máy ít được đầu tư, dẫn đến hình thái phát triển ngành cơ khí chế tạo nước ta bị mất cân đối.


Theo như Chiến lược phát triển cơ khí của Chính Phủ thì sản phẩm cơ khí đáp ứng 45 – 50% nhu cầu trong nước và 30% xuất khẩu là chưa đạt theo yêu cầu. Hàng năm chúng ta phải nhập khẩu hàng tỷ USD máy móc, thiết bị để phát triển các ngành công nghiệp nội địa còn ngành cơ khí chế tạo thì chỉ đáp ứng được một phần. Để chứng minh cho điều này có một ví dụ là đa số các dự án nhiệt điện trong nước đều được trao cho các tổng thầu nước ngoài, doanh nghiệp Việt chỉ có vài dự án làm chủ thầu hoặc không tham gia được vào giai đoạn công việc nào. Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ ra nguyên nhân là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đánh giá chính xác về vai trò, vị trí để xây dựng, phát triển ngành cơ khí, cơ chế chính sách của Nhà Nước chưa tạo đủ điều kiện để kích thích cách doanh nghiệp phát triển.


Một trong những nguyên nhân mà một nửa số doanh nghiệp gặp phải là thiếu vốn, lợi nhuận bình quân thấp mà lãi suất của các ngân hàng hiện nay cũng lên đến 10-12%/năm thì các doanh nghiệp cũng tỏ ra rụt rè hơn bởi vì nếu vay thì sẽ thua lỗ.


Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận định những nước có nền cơ khí phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì cách đây rất nhiều năm chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Với mục tiêu là công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2020 thì không thể để ngành cơ khí chế tạo phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường mà cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, chính sách. Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn nữa, bảo lãnh tín dụng với doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, hoặc phục vụ cho việc chế tạo các thiết bị cần nhiều vốn, chu kỳ dài.


Bộ Công Thương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các “giải pháp mạnh” hỗ trợ ngành cơ khí trong nước thông qua cơ chế tạo đơn hàng. Vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp rất quan trọng, song điều quan trọng hơn, để tạo “cú huých”, bước chuyển lớn, thì Nhà nước cần làm “bà đỡ”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí đủ khả năng được tham gia các dự án công nghiệp lớn mặc dù bước đầu quá trình sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhà nước cần mạnh dạn, tin tưởng các doanh nghiệp thì họ mới có điều kiện tích lũy được năng lực, kinh nghiệm và tài chính để vươn lên, làm chủ các dự án tiếp theo.


Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho doanh nghiệp, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.


Về tư vấn thiết kế và công nghệ, cần thực hiện chuyên môn hóa các cơ quan nghiên cứu cơ khí hiện có, xây dựng các dự án khoa học công nghệ cần phù hợp các sản phẩm cơ khí trọng điểm nhằm tạo nguồn kinh phí cho các cơ sở nghiên cứu cơ khí hoạt động hiệu quả. Hợp tác các cơ sở nghiên cứu cơ khí trong nước với các công ty tư vấn nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, đào tạo. Nhà nước cũng cần hỗ trợ trong công tác này.


Hiện, sức cạnh tranh của ngành cơ khí rất yếu, thiếu sự trợ giúp của Nhà nước thì ngành cơ khí không thể phát triển được. Để các sản phẩm cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài và đặc biệt là các nhà cung cấp khu vực thì cần nâng cao năng lực tư vấn thiết kế và năng lực chế tạo, trong đó giải pháp nâng cao năng lực tư vấn thiết kế là việc cần làm trước vì giá trị phần công việc tư vấn thiết kế chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị công trình, lại có giá trị gia tăng cao.


Các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí phát triển đúng hướng, đúng quy luật theo phương châm chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng, tránh đầu tư trùng lặp và cạnh tranh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sớm sắp xếp lại khối các doanh nghiệp cơ khí nhà nước, tạo sức mạnh liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất cho toàn ngành, củng cố nguồn lực cho các tập đoàn đã thành lập tạo được sức mạnh chủ lực cho ngành cơ khí chế tạo cả nước.


Bảo khánh