Thị trường còn bỏ ngỏ
Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề chính như: Báo cáo thực trạng pháp luật và quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; Đề xuất dự thảo tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại các cơ sở bán buôn, bán lẻ ở Việt Nam; Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất các kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước; Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với dịch vụ bán buôn, bán lẻ ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, hiện nay ở nước ta, các loại hình thương nhân bán buôn, bán lẻ đang tồn tại ở các dạng: Các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã; Hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ cũng được phân chia thành: chợ, trung tâm, cửa hàng, siêu thị và các loại hình cơ sở khác.
Đánh giá về việc đáp ứng tiêu chí của các cơ sở bán buôn, các đại biểu cho rằng, các loại hình cơ sở bán buôn gồm chợ bán buôn/đầu mối, cửa hàng bán buôn truyền thống, trung tâm bán buôn, trung tâm phân phối, cửa hàng bán buôn hiện đại, sở giao dịch hàng hóa là bảo đảm phù hợp và bao quát được các loại hình bán buôn đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đánh giá về sự đáp ứng của một số tiêu chí phân loại đối với các loại hình cơ sở bán lẻ lại đang tồn tại nhiều vấn đề. Về vị trí quy hoạch xây dựng các cơ sở bán lẻ, nhất là loại hình cơ sở bán lẻ hiện đại ở Việt Nam, hiện vẫn phụ thuộc vào việc có tìm được mặt bằng có sẵn phù hợp hay không mà ít chú ý đến nhu cầu thị trường và sự phù hợp với các loại quy hoạch liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các loại hình cửa hàng tiện lợi hiện có chưa nhiều và chủ yếu thiết lập ở các khu dân cư, đường phố, công sở, còn tại các trạm xăng, trường học, bệnh viện, nhà ga, nơi vui chơi giải trí là không đáng kể.
Do số lượng và mật độ cơ sở của loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại ở Việt Nam là rất thấp nên phạm vi thị trường của đa số cơ sở của loại hình này thường ở phạm vi tối đa hoặc rộng hơn so với phạm vi thị trường phổ biến chung đối với từng loại hình cửa hàng. Tính chung, mật độ cơ sở của 3 loại hình cửa hàng bán lẻ hiện đại (bao gồm cửa hàng bách hóa, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên ngành)/100.000 dân ở Nhật Bản là 31 cửa hàng, ở Thái Lan là 1,9 cửa hàng, nhưng ở Việt Nam chỉ có khoảng 0,8 cửa hàng. Đối tượng khách hàng của các cơ sở bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là những người có thu nhập từ trung bình khá trở lên và những khách hàng quan tâm nhiều đến chất lượng, an toàn thực phẩm.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ
Cùng với sự gia tăng số lượng và đa dạng hóa loại hình của các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ thì yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với sự phát triển và quản lý hoạt động của các loại hình cơ sở phân phối này, nhất là loại hình bán lẻ hiện đại ngày nay càng trở nên cấp thiết. Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, cần hoàn thiện môi trường pháp lý điều chỉnh sự phát triển và quản lý hoạt động của các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ. Theo đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc xây dựng mới và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành quy định về tiêu chí phân loại, quy hoạch phát triển và tiêu chuẩn thiết kế đối với loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát theo hướng vừa đảm bảo sự phát triển của các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ theo đúng định hướng, mục tiêu, tiêu chí đề ra, vừa bảo đảm sự hoạt động kinh doanh của các loại hình trên tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Một số ý kiến cũng cho rằng, nhà nước cần sớm bổ sung, xây dựng lại các tiêu chuẩn và chế độ báo cáo thống kê về các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ một cách đầy đủ, khoa học để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Đối với việc thiết lập, quản lý vận hành chợ bán buôn, đầu mối, nhiều đại biểu nêu đề xuất rằng: việc xây dựng yêu cầu, điều kiện thiết lập đối với từng cấp, loại chợ bán buôn, đầu mối phù hợp với đặc thù của từng vùng, địa phương và loại mặt hàng. Trong đó, lưu ý các quy định liên quan đến điều kiện đất đai đối với từng loại chợ; điều kiện về kết cấu hạ tầng, thiết bị kèm theo; quản lý vận hành hoạt động chợ; phương thức hình thành giá tại chợ bán buôn.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương