Buổi đối thoại thu hút được sự tham gia đông đảo của các học giả, nhà hoạch định chính sách, Ngân hàng (đại diện các nhà cho vay tín dụng), doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội về doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ở Việt Nam. Việc Việt Nam phối hợp với APEC tổ chức đối thoại nói trên nhằm xây dựng và đưa ra các sáng kiến về hợp tác chính sách có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng. Qua đó, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trong hợp tác kinh tế APEC. Kết quả của đối thoại sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC, nhằm sớm biến các định hướng chính sách thành hiện thực trong thời gian tới.
Hiện nay, tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, điển hình là ở Việt Nam, có khoảng hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế được xếp vào loại hình doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Sự tồn tại và phát triển của loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà còn đối với việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm và phát triển bền vững của quốc gia. Điều đáng chú ý là, nhóm doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh và được đánh giá là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế bởi những cú sốc kinh tế, với nhiều nguyên nhân khách và chủ quan khác nhau.
Bên cạnh đó, sự mở rộng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ từ trước tới nay, đã và đang được đánh giá là: góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP bình quân đầu người; bổ sung các giá trị gia tăng thực tế cho sản phẩm, tăng sản lượng sản xuất trong nền kinh tế; góp phần phát triển các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị trong khu vực; giúp ổn định nền kinh tế, nhờ hoạt động dưới hình thức các nhà thầu phụ cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn; đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thông qua tăng cường chuyên môn hóa trong quá trình sản xuất, v.v... Mặc dù vậy, loại hình doanh nghiệp này đã và đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất và mở rộng kinh doanh. Những khó khăn này bắt nguồn từ các chính sách, quy định pháp luật của Chính phủ, cơ chế cho vay hoặc hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng, sự giúp đỡ, kết nối của các hiệp hội có liên quan ... Đây là những yếu tố mang tính khách quan, có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, bản thân sự nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố quyết định chính. Những yếu tố này bao gồm khả năng quản lý kinh doanh, công nghệ sản xuất, khả năng kết nối với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước.
Với những phân tích về vai trò, sự đóng góp và các khó khăn của các doanh nghiệp này cho nền kinh tế, đặc biệt là trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay thương mại, việc Chính phủ và khu vực tư nhân tiếp tục tổ chức các đối thoại chính sách để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và có sự phối hợp hài hòa là điều rất cần thiết. Điều này góp phần tăng thêm giá trị của APEC trong lĩnh vực hợp tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguồn: moit.gov.vn