Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6299/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 6300/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 


Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đặt mục tiêu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào từ chỗ chậm phát triển, kém phát triển trở thành phát triển (giai đoạn 2020) và phát triển mạnh, làm nòng cốt trong các khu vực kinh tế động lực phát triển của địa phương (giai đoạn 2030); kết quả hoạt động của ngành công nghiệp, thương mại đóng góp tỷ trọng chủ yếu vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trên tuyến biên giới. Theo đó, ngành công nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện… Ngành thương mại, tập trung phát triển hệ thống chợ; trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị; trung tâm trung chuyển và kho vận. Dự kiến đến năm 2020, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, nâng cấp cải tạo 39 chợ, xây mới 6 chợ thuộc hệ thống chợ thị trấn, chợ trung tâm các huyện biên giới; cải tạo 177 chợ, xây mới 147 chợ và di dời 15 chợ trong hệ thống chợ xã (không giáp đường biên) thuộc các huyện biên giới; và dự kiến xây mới 43 siêu thị, 4 trung tâm mua sắm và 3 trung tâm thương mại.


Nhằm mục tiêu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ, làm động lực phát triển kinh tế của các địa phương, phát huy cao độ các lợi thế về tài nguyên và thương mại, Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đưa ra định hướng: Đối với ngành công nghiệp: Tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; đồng thời tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; tăng cường mối liên kết giữa các địa phương để phát triển một số dự án quy mô lớn, kết hợp với kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô nguyên liệu, nâng cao giá trị tăng thêm và gắn sản xuất công nghiệp với sản xuất nguyên liệu.

 

Trong lĩnh vực thương mại: Khai thác tối đa các khả năng tiếp cận với thị trường Campuchia; xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ hỗ trợ nhằm thuận lợi hóa các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Theo đó, về ngắn hạn cần tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hợp tác trong hoạt động thương mại với Campuchia, đặc biệt sớm hoàn thiện hành lang pháp lý giữa hai nước, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cư dân biên giới giữa hai nước được trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại…;

 

Về lâu dài, cần tăng cường công tác điều phối nhằm đảm bảo tuân thủ phân bố không gian phát triển công nghiệp, thương mại trên toàn tuyến để phát huy được lợi thế của từng địa phương, tránh đầu tư chồng chéo, khép kín gây lãng phí; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, miền núi thông qua hoạt động khuyến công kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường, lớp; cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả và các thay đổi trong chính sách biên mậu. Đặc biệt, phải hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo sản phẩm xuất khẩu và tham gia các hội chợ thương mại biên giới nhằm tìm được những yêu cầu mới, mặt hàng và bạn hàng mới...


Nguyễn Thị Hương