Riêng phần sông chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài 543 km. Với diện tích lưu vực gần 53.000 m2, sông Đà cung cấp lượng nước chủ yếu cho sông Hồng và cũng là thủ phạm chính gây ra những trận lũ, lụt lớn ở hạ lưu sông Hồng. Do bắt nguồn từ vùng núi cao, địa hình rất hiểm trở nên lòng sông Đà có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh... do vậy sông có tiềm năng thủy điện rất lớn.
Từ khi còn đô hộ Việt Nam, Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch khai thác sông Đà với sự tham gia của hàng chục chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực nhưng chưa thành công. Khi miền Bắc giải phóng, Ủy ban sông Hồng của Việt Nam được thành lập đã rất chú trọng đến việc nghiên cứu, khai thác trữ lượng điện năng sông Đà. Tuy nhiên, phải đến năm 1972, các chuyên gia Liên Xô với sự đóng góp quan trọng của Viện Thiết kế thủy công Mátxcơva mới chính thức bắt tay vào khảo sát sông Đà với dự án đầu tiên là khảo sát thiết kế xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Ngày 1/9/1981, Thủy điện Hòa Bình chính thức khởi công xây dựng và ngày 20/12/1994 đi vào hoạt động với 8 tổ máy, tổng công suất 1.920MW. Cũng trong thời gian này, dự án thủy điện Sơn La đã được tính đến.
25 năm khảo sát thiết kế
Ai cũng biết Thủy điện Sơn La là công trình có tiến độ xây dựng nhanh nhất (sẽ hoàn thành sớm 2 năm so với kế hoạch) nhưng ít người biết rằng đây là dự án có thời gian khảo sát thiết kế lâu nhất (kéo dài tới 25 năm). Ông Lê Bá Nhung, nguyên giám đốc công ty tư vấn xây dựng điện I, chủ nhiệm thiết kế công trình cho biết, ban đầu nhiều người còn lo lắng về tính khả thi của dự án Thủy điện Sơn La vì sợ phía Trung Quốc có thể chặn dòng làm hạn chế nguồn nước sông Đà.
Ông Nhung đã cùng các kỹ sư chuyên ngành ngược dòng sông Đà tới biên giới Trung Quốc. Sau đó, bằng đường du lịch, sang Vân Nam, đi dọc 200 km ven sông Đà bên Trung Quốc, tới tận nơi dòng nước đầu tiên đổ vào sông Đà để khảo sát khả năng dẫn dòng trên đoạn thượng nguồn. Những dãy núi cao, hiểm trở nơi thượng nguồn sông Đà đã giúp đoàn khảo sát có một cái nhìn thực tế về khả năng xây dựng hệ thống thuỷ điện của phía Trung Quốc và yên tâm về dự án Thủy điện Sơn La. Từ năm 1979, Ban khảo sát thiết kế thủy điện Sơn La đã được thành lập do ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng làm trưởng ban, ông Nhung làm phó ban. Lúc đó chưa có đồng vốn nào trong tay, ông Hải phải thuyết phục công ty Điện lực 1 “san sẻ” 600 triệu đồng cho công ty Tư vấn xây dựng điện I làm khảo sát. Mũi khoan đầu tiên đặt tại Bản Tả, cách tuyến Pá Vinh hiện nay 7 km.
Với sự tham gia của hơn 500 kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành khảo sát thiết kế, đến năm 1996 phương án tiền khả thi mới xong. Trên cơ sở đó, đoàn nghiên cứu khảo sát đề xuất các phương án xây dựng Thủy điện Sơn La trình lên Chính phủ. Ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Ban đầu có 3 phương án xây dựng gồm: Sơn La cao (mực nước 265 m) với 2 bậc thang thủy điện (Hòa Bình và Sơn La); Sơn La thấp (215 m) với 3 bậc thang thủy điện (Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu), Sơn La nhỏ (công trình Sơn La quy mô nhỏ cùng 3-4 bậc thang Thủy điện khác trên sông Đà).
Mỗi phương án đều được phân tích tác động trên nhiều phương diện: xã hội (mất đất, hủy hoại môi sinh, ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực lòng hồ, các vấn đề về di dân); môi trường (ngập nước, biến đổi đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái...); ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng khu vực Tây Bắc và thu được hiệu quả kinh tế tổng hợp (năng lượng điện, huy động vốn, chỉ số lợi nhuận...).
Sau khi bàn đi tính lại nhiều lần, Quốc hội quyết định thông qua phương án Sơn La thấp vì phương án này đảm bảo được các yêu cầu: an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thực ra, chỉ người trong cuộc mới hiểu ngay cả phương án Sơn La thấp cũng có 4 phương án nhỏ: chọn tuyến Pá Vinh, Bản Pẫu, Bản Tả hay Tạ Bú. Cuối cùng tuyến Pá Vinh đã được chọn vì những ưu thế về mặt bằng thi công và bố trí công trình chính. Hơn nữa, do tuyến Pá Vinh ở trên cùng nên có thể hạn chế di dân được khoảng 12.000 người, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ xáo trộn cuộc sống người dân. Ngoài mục tiêu cung cấp điện năng, Thuỷ điện Sơn La còn vai trò chống lũ, cung cấp nước cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng Tây Bắc. Tạo thành một hệ thống giao thông dọc các tỉnh Tây Bắc thông qua hồ chứa Hoà Bình và hồ chứa thuỷ điện Sơn La, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo khí hậu tiểu vùng dọc hồ chứa và phát triển du lịch sinh thái. Đây sẽ là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam vì từ nay không nơi nào có đủ điều kiện về địa hình để xây dựng công trình thủy điện lớn hơn.
Điều tự hào nhất là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Tham gia xây dựng thủy điện Sơn La gồm 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty sông Đà làm tổng thầu; Tập đoàn Điện lưc Việt Nam làm chủ đầu tư. Trên công trường thường xuyên có 8.000 – 10.000 người làm việc, những lúc cao điểm có thể lên tới 15.000 người. Để có công trình thế kỷ này, những người thợ ở đây phải đào hơn 16,6 triệu m3 đá, xúc vận chuyển trên 20 triệu m3 đất đá, đầm 2 triệu m3 đất nền, đổ gần 6 triệu m3 bê tông (trong đó có khoảng 3,2 triệu m3 bê tông đầm lăn), lắp đặt trên 115.000 tấn thiết bị.
Vừa khởi công vừa ngăn dòng: câu chuyện cơ chế đặc thù và nhũng người dám nghĩ dám làm
Sáng 2/12/2005, tại xã Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công công trình thủy điện Sơn La. Ban đầu dự kiến năm 2012 phát điện tổ máy số 1, năm 2015 hoàn thành toàn bộ công trình. Tuy nhiên, EVN đã mạnh dạn đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình theo kiểu “ vừa khởi công vừa lấp dòng”, sự kiện chưa có tiền lệ ở bất cứ công trình thủy điện nào.
Theo nguyên tắc, sau khi khởi công, các công trình thủy điện thường mất khoảng 2 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng như làm đường, điện, thông tin, giải phóng mặt bằng, làm công trình dẫn dòng… Tuy nhiên, TĐSL đã “đi ngược” trình tự. Nghĩa là chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế.
Ông Vũ Đức Thìn, nguyên trưởng ban QLDA kể lại: Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã cho cơ chế đặc thù nhưng nhiều người lo ngại nếu làm trước lỡ ra sau này thiết kế phê duyệt khác đi thì ai chịu trách nhiệm về những phí tổn này. EVN đã phải bàn bạc Tổng công ty Sông Đà ký biên bản thỏa thuận chịu trách nhiệm trước Nhà nước.
Thậm chí ông Nguyễn Đoàn Thăng (lúc đó là chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sông Đà) và ông Quế (TGĐ Tổng công ty) còn kiên quyết khẳng định: nếu sau này thiết kế được duyệt khác đi chúng tôi xin chịu mọi rủi ro. Với quyết tâm dám làm dám chịu ấy mà 125km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, hệ thống lưới điện 110-220kV gần 200km, gần 60.000 m2 nhà ở cho khoảng 6.000 công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu… đã được triển khai trước ngày khởi công.Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La đã trình Chính phủ cho phép tiến hành đồng thời khởi công kết hợp với lấp dòng luôn. Đây là việc chưa từng có trong tiền lệ xây dựng nhà máy thủy điện trên thế giới.
Cũng nhờ sự “liều lĩnh” đi trước một bước ấy mà Ban chỉ đạo đã tính toán lại và báo cáo Chính phủ kế hoạch đẩy nhanh tiến độ phát điện tổ máy 1 vào năm 2010, hoàn thành công trình vào năm 2012, rút ngắn thời gian thi công 2 năm. Theo tính toán, mỗi năm vượt tiến độ Nhà nước sẽ có thêm doanh thu 500 triệu USD và tiết kiệm 50 triệu USD. Như vậy, dự án Thủy điện Sơn La mất tới 25 năm chuẩn bị nhưng chỉ mất 5 năm thi công đã đi vào hoạt động tổ máy 1 và hoàn thành dự án sau 7 năm.
Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió thì tháng 4-2010 sẽ thực hiện ngăn sông lần cuối để tiến hành tích nước hồ vào tháng 5/2010.
Công trình thủy điện Sơn La hiện nay có cốt xây dựng 215 mét; Diện tích hồ chứa: 224km2 với dung tích nước 9,26 tỉ m3; có 6 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW, điện năng bình quân đạt 10,2 tỉ kWh/năm. Kết cấu công trình ở cấp đặc biệt, nếu động đất cấp 8 và lũ 48.000m3/giây đồng thời xảy ra cùng một lúc thì công trình thuỷ điện Sơn La vẫn bảo đảm an toàn. Tổng vốn đầu tư: 42.476,9 tỉ đồng (bao gồm vốn đầu tư ban đầu là 36.786,97 tỉ đồng và lãi vay trong thời gian xây dựng là 5.708 tỉ đồng). Theo thiết kế, Thủy điện Sơn La sẽ được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia bằng bốn đường dây 500kV Sơn La – Hòa Bình, Sơn La – Nho Quan, Sơn La - Việt Trì và Sơn La – Sóc Sơn. Trạm 500kV Sơn La dự kiến đặt tại khu vực Pi Toong, cách nhà máy khoảng 3-4 km.
CTV. Ngọc Loan