Nam Á được đánh giá là khu vực có tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại rất lớn và đa dạng. Khu vực này có sức mua ngày một tăng mạnh nhờ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn vừa qua và tầng lớp trung lưu ngày một đông.


Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng kinh tế của một số nước chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, dựa nhiều vào sự tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng nội địa và dịch vụ hơn là dựa vào xuất khẩu đã giúp cho các nước tránh được những biến động kinh tế từ bên ngoài. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước trong khu vực này là khá lớn chỉ tính riêng Ấn Độ, con số này đã lên tới 490 tỷ USD trong năm tài khóa 2012/2013, Pakistan 39,8 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của các nước khu vực cũng khá đa dạng, phong phú từ xăng, dầu, thiết bị máy móc tới các các mặt hàng nông nghiệp bông, sợi; cao su, nguyên phụ liệu dệt may….

 

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Nam Á tăng đều trong những năm gần đây. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Nam Á đạt 1,4 tỷ USD. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2010. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,85 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,41 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2011. Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,09 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,56 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Trong năm 2012, một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tính theo kim ngạch bao gồm: Ấn Độ (1,7 tỷ USD), Bangladesh (352 triệu USD), Pakistan (174 triệu USD), Srilanka (95 triệu USD)...Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nam Á trong năm 2012 gồm: điện thoại các loại và linh kiện (478 triệu USD); máy móc thiết bị, dụng cụ (252 triệu USD); clinke (233 triệu USD); cao su (227 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện (160,6 triệu USD); xơ, sợi dệt (103,1 triệu USD); hạt tiêu (59,6 triệu USD); hóa chất (58,3 triệu USD); cà phê (57,8 triệu USD); gỗ (47,1 triệu USD); chè (45,2 triệu USD); than đá (40,2 triệu USD).

 

Các mặt hàng xuất khẩu sang Nam Á có kim ngạch thấp hơn 40 triệu USD gồm chất dẻo nguyên liệu; hạt điều; nguyên phụ liệu dệt may và da giầy, phân bón, sản phẩm bánh kẹo, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm cao su, sản phẩm từ giấy, vải, sản phẩm từ thép, xe máy, xi măng, sản phẩm từ gỗ…Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Srilanka. Tổng số lượng các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Nam Á trong ba năm 2010, 2011, 2012 đã lên tới hơn 77 nhóm mặt hàng. Tuy nhiên, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Á xét về kim ngạch vẫn còn tập trung vào một số nhóm mặt hàng chủ lực: điện thoại di động; clinke; cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nông sản. Riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sản phẩm mới thâm nhập thị trường Nam Á trong vài năm gần đây nhưng có tốc độ tăng trưởng cao và giữ vị trí số 1 về giá trị trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Nam Á (chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực trong năm 2012).

 

Kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Nam Á năm 2012 đạt 2,44 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: ngô (345,4 triệu USD); nguyên liệu thức ăn gia súc (311,9 triệu USD); dược phẩm (264 triệu USD); bông các loại (215,7 triệu USD); máy móc, thiết bị và phụ tùng (122,1 triệu USD); chất dẻo nguyên liệu (110 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may và da giầy (102 triệu USD); hóa chất (83,3 triệu USD); vải các loại (72,6 triệu USD); xơ, sợi dệt các loại( 70 triệu USD); hàng thủy sản (60,9 triệu USD); sản phẩm hóa chất (50,6 triệu USD)... Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào 4 nhóm mặt hàng là ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu; dược phẩm; bông các loại; máy móc, thiết bị và phụ tùng với tỷ trọng của cả 4 mặt hàng chiếm tới 46,4% tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Nam Á.

 

Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á gồm: Ấn Độ, Pakistan, Srilanka. Các số liệu trên cho thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Á thời gian qua đã phát triển tương đối khả quan. Tuy nhiên, so với tiềm năng to lớn của hai bên và xu hướng mở rộng quan hệ kinh tế thương mại dưới ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Nam Á cần phải được tăng cường hơn nữa. Việc tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước Nam Á để phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam và gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường các nước Nam Á, đặc biệt là với các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Srilanka là những động lực để phát triển thương mại trong toàn khu vực.

Lê Phương