Xri Lan-ca là quốc đảo với đường bờ biển dài 1.700 km, diện tích lãnh hải khoảng 21.500 km2 và vùng đặc quyền kinh tế rộng 517.000 km2, có tầm quan trọng đặc biệt về phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, Xri Lan-ca còn sở hữu nguồn tài nguyên nước ngọt, nước lợ rộng lớn với diện tích 260.000 ha – đây là cơ sở cho việc phát triển thủy sản và khai thác nguồn lợi từ ngành này.


Nguồn thủy sản tự nhiên

Hiện nay, ngành thủy sản cung cấp việc làm trực tiếp cho khoảng 650.000 lao động, bao gồm 150.000 ngư dân đánh bắt cá, 100.000 lao động trong các hoạt động dịch vụ liên quan và khoảng 400.000 người trong các hoạt động liên quan tới thương mại thủy sản. Lực lượng lao động này đại diện cho 2,5 triệu cư dân (chiếm 12,5% dân số) sống tại vùng ven biển của Xri Lan-ca.


Ngành thủy sản của Xri Lan-ca được phân chia thành các khu vực chính sau: ven bờ; ngoài khơi; nội địa và nuôi trồng thủy sản. Vùng ven biển có khoảng 610 loài cá, trong đó có những loài được đánh bắt khá phổ biển, như

 Sardinella spp., Amyblygaster spp., Rastrelliger spp., Auxis thazard, Anchova commersoni và Hirundichthys coromandelensis, được gọi là loài cá nổi. Hầu hết các loài cá này đều sống gần bề mặt hoặc ở tầng nước trên. Lượng cá nổi cỡ nhỏ chiếm khoảng 40% sản lượng đánh bắt cá ven biển.


Theo các tài liệu thống kê, tại vùng biển ngoài khơi và vùng biển nước sâu của Xri Lan-ca có khoảng 90 loài cá đại dương và khoảng 60 loài cá mập. Tầng đáy vùng biển của Xri Lan-ca có khoảng 215 loài cá sinh sống, trong đó có các loài cá to mang lại giá trị lớn về thương mại. Theo đó, ngư trường cá ngừ nằm trong khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây, phía Nam và phía Đông, tập trung nhiều nhất trong phạm vi cách bờ khoảng 60 – 70 km. Cá ngừ là nguồn tài nguyên thủy sản phong phú trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Xri Lan-ca. Hai loài cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng chiếm hầu hết sản lượng khai thác.

 

Nuôi trồng thủy sản
 

Mặc dù sở hữu nhiều vùng rộng lớn về nguồn nước ngọt và nước lợ, tuy nhiên, Xri Lan-ca không có truyền thống cũng như chưa phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (ngoại trừ loài tôm chỉ biển và cá cảnh được nuôi và phát triển ở mức độ nhất định). Ngoài một số ít loài cá nước ngọt bản địa, Xri Lan-ca còn sở hữu 18 loài ngoại lai, trong đó có 03 loài cá nước ngọt Trung Quốc, bao gồm: cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idellus), cá chép bạc (Hypophthalmichthys molitrix) và cá mè hoa (Aristichthys nobilis); cùng 03 loài cá chép Ấn Độ: catla, rohu và mrigal. Các loài cá này đều có tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Xri Lan-ca. Có tới 112 loài cá nước lợi được dùng làm nguồn thực phẩm rộng rãi, nhưng duy nhất chỉ có loài tôm biển xuất hiện trong ngành nuôi trồng thủy sản ven biển.


Trong những năm gần đây, xuất khẩu tôm nuôi đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Sản lượng cá nước ngọt trong ao hồ do ngư dân thả và thu hoạc chỉ chiếm khoảng 1,2% sản lượng cá nước ngọt nội địa. Tuy nhiên, với tiềm năng sẵn có, nghề nuôi cá nước ngọt nhanh chóng được thúc đẩy mạnh trong sản xuất và góp phần nâng cao đời sống của các hộ nghèo nông thôn. Ngoài ra, các loài cá ven biển, rong biển và tôm nước ngọt là các nguồn lợi thủy sản được xác định nhằm phát triển và khuyến khích nuôi trồng.


Các tổ chức và cơ quan chính đóng góp vào sự phát triển và đưa ra quy định về nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển, bao gồm: Cục Thủy sản, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản quốc gia (NARA) và Cơ quan Phát triển nuôi trồng thủy sản quốc gia (NAQDA). Trong khi NARA phụ trách các hoạt động về nghiên cứu và phát triển thuỷ sản thì NAQDA phụ trách các hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy thương mại. Viện Thủy sản và Công trình biển quốc gia (NIFNE) chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo.


Dự án Phát triển và Nâng cao chất lượng nguồn thủy sản với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được khởi xướng từ giữa năm 2002 nhằm hỗ trợ Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản nội địa trong Kế hoạch hành động phát triển nguồn thủy sản quốc gia. Mục tiêu của Dự án là phát huy các tiềm năng to lớn cho chương trình phát triển nguồn thủy sản nội địa nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao mức sống của nông dân trong khu vực không có bờ biển như là phương tiện để xóa đói giảm nghèo.


Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh


Giá trị xuất khẩu thủy sản của Xri Lan-ca tăng từ 103 triệu USD năm 2005 lên 202 triệu USD năm 2010 với tốc độ tăng trưởng trung bình là 15%. Năm 2011, tổng sản lượng cá đạt 444.830 tấn, trong đó: 37% từ đánh bắt xa bờ, 50% từ nghề cá ven biển, 11% từ thủy sản nước ngọt và 2% từ nuôi trồng thủy sản ven biển và nước ngọt; đóng góp 1,7% GDP. Năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt 256 triệu USD, trong đó 45% là cá ngừ.


Xri Lan-ca xuất khẩu 1.078 tấn tôm năm 2012 và 1.510 tấn trong 6 tháng đầu năm 2013; 119 tấn tôm hùm năm 2012 và 160 tấn trong sáu tháng năm 2013; 1,557 tấn cua năm 2012 và tăng lên 2.760 tấn trong sáu tháng đầu năm 2013; vây cá mập 56 tấn trong năm 2012, 50 tấn trong trong 6 tháng đầu năm 2013; loài thân mềm tăng từ 1.642 tấn năm 2012 và đạt 1.980 tấn trong nửa đầu năm 2013; hải sâm 255 tấn năm 2012, tăng lên 350 tấn trong trong nửa đầu năm 2013.


Mục tiêu trong năm 2013 của ngành thủy sản Xri Lan-ca là tăng 150% sản lượng đánh bắt cá lên 600.000 tấn; tăng gấp đôi sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 90.000 tấn (so với năm 2011). Phấn đấu xuất khẩu 500 triệu USD thủy sản vào năm 2015 và 1 tỷ USD năm 2020. Thủy sản sẽ trở thành ngành xuất khẩu đầy hứa hẹn, góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu thương mại 15 tỷ USD năm 2015 của quốc gia này.


Xri Lan-ca xuất khẩu cá và sản phẩm cá đển 32 quốc gia trên toàn thế giới bao gồm các nước Châu Âu, Châu Á, Tây Á và Đông Nam Á. Các nước EU nhập khẩu hải sản từ Xri Lan-ca là Bỉ, Ireland, Cyprus, Italia, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Anh và Đức. Ngoài EU, Xri Lan-ca còn xuất khẩu cá tới các nước: Nhật Bản, Qatar, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, UAE, Cô-oét, Israel, New Zealand, Maldives và Hàn Quốc.
 


Lê Phương
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á.